Tìm kiếm
Thúc đẩy hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp Đổi mới công nghệ tại Đà Nẵng và Chương trình Quốc gia về đổi mới công nghệ đến năm 2030
Người đăng tin: Thời Phước Hồ Ngày đăng tin: 19/02/2021 Lượt xem: 164

Chiều ngày 18/02/2021, UBND thành phố Đà Nẵng đã tổ chức buổi gặp mặt và trao các Quyết định hỗ trợ kinh phí đổi mới công nghệ cho 02 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng: Công ty Cổ phần Cơ khí Hà Giang Phước Tường và Công ty Cổ phần Công nghệ QCM. Tham dự buổi gặp mặt có đại diện có các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài chính, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng và Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ thành phố Đà Nẵng.


Tại buổi gặp mặt, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố đã báo cáo tóm tắt về công tác hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ trên địa bàn thành phố. Nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm đem lại giá trị kinh tế cho doanh nghiệp và đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 18/2016/NQ-HĐND ngày 11/8/2016 và Nghị quyết 194/NQ-HĐND ngày 19/12/2018 quy định một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Trên cơ sở Nghị quyết HĐND thành phố, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 36/2016/QĐ-UBND ngày 08/11/2016 và Quyết định số 26/2019/QĐ-UBND ngày 16/5/2019 quy định một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và giao cho Sở Khoa học và Công nghệ là đơn vị chủ trì triển khai thực hiện.

Các nội dung hỗ trợ chủ yếu tập trung vào:

(1) Hỗ trợ trong hoạt động nghiên cứu và triển khai, chuyển giao công nghệ (Đối với các nội dung về mua công nghệ, giải pháp kỹ thuật; mua thiết bị có hàm chứa công nghệ; Nghiên cứu tạo công nghệ, giải mã công nghệ, ươm tạo công nghệ, thiết kế chế tạo thiết bị công nghệ có hàm chứa công nghệ mới, tiên tiến, công nghệ cao, cải tiến công nghệ, đổi mới quy trình công nghệ …)

(2) Hỗ trợ hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và sở hữu trí tuệ (Đối với các nội dung về xây dựng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn; xây dựng tiêu chuẩn cơ sở; đánh giá chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy; đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ…)

Đây là chính sách đặc thù riêng của thành phố Đà Nẵng đã được triển khai có hiệu quả trong thực tế, tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất, tạo ra sản phẩm mới, thay thế được hàng nhập khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường. Việc triển khai thực hiện chính sách đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực cho các doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất và đời sống và góp phần phát triển doanh nghiệp, phát triển sản xuất.

Kết quả hỗ trợ doanh nghiệp từ  năm 2017 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ đã thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ cho 34 lượt doanh nghiệp, giải ngân kinh phí hỗ trợ là 6.136 triệu đồng. Trong đó, một số doanh nghiệp tiêu biểu trong hoạt động đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất, phát triển sản phẩm mới có thể kể đến như: Công ty Cổ phần Cơ khí Hà Giang Phước Tường, Công ty TNHH Châu Đà, Công ty Cổ phần Công nghệ QCM, Công ty Cổ phần Điện Trường Giang, Công ty Cổ phần Công nghệ Đức Huy, Công ty Cổ phần Nhôm kính Nam Ân, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Minh Thành Lợi… 

Năm 2020, trong tình hình khó khăn của dịch bệnh Covid-19,  các doanh nghiệp đã gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tuy vậy các doanh nghiệp đã không ngừng nỗ lực trong hoạt động nghiên cứu, đổi mới công nghệ để khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất và đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội chung của thành phố. Trong đó,  tiêu biểu có dự án chế tạo máy sản xuất khẩu trang tự động phục vụ cho các đơn vị sản xuất khẩu trang y tế trên địa bàn và trong cả nước, phục vụ trực tiếp cho công tác phòng chống dịch bệnh Covid 19; dự án đầu tư thiết bị công nghệ cao phục vụ phát triển sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm cho doanh nghiệp,.... Sở Khoa học và Công nghệ cũng đã ban hành Hướng dẫn số 05/HD-SKHCN ngày 09/10/2020 tổng hợp toàn bộ các nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ của thành phố để tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp tiếp cận chính sách và đề xuất hỗ trợ. Đồng thời Sở đã tích cực làm việc với các Hiệp hội doanh nghiệp, khảo sát và hướng dẫn doanh nghiệp lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tuyên truyền chính sách tại các Hội nghị, hội thảo, phương tiện thông tin truyền thông để các doanh nghiệp biết đến chính sách nhiều hơn và đề xuất hỗ trợ. Kết quả trong năm 2020, Sở KH&CN đã hỗ trợ cho 16 lượt doanh nghiệp với tổng kinh phí là 3.011 triệu đồng.

Ngày 09/12/2020, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 4830/QĐ-UBND về việc hỗ trợ chi phí nghiên cứu, thiết kế chế tạo thiết bị có hàm chứa công nghệ tiên tiến cho Công ty Cổ phần Cơ khí Hà Giang Phước Tường với số tiền hỗ trợ là 930 triệu đồng cho dự án “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo Máy lốc thép tấm dày 20mm – 80mm” và Quyết định số 4831/QĐ-UBND về việc hỗ trợ chi phí nghiên cứu, thiết kế chế tạo thiết bị có hàm chứa công nghệ tiên tiến cho Công ty Cổ phần Công nghệ QCM với số tiền là 524 triệu đồng cho dự án “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo Máy nướng bánh từ trường” từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ thành phố năm 2021. Đây là hai doanh nghiệp đầu tiên được hỗ trợ kinh phí đổi mới công nghệ trong năm 2021. 

Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh trao kinh phí hỗ trợ cho Công ty Cổ phần Cơ khí Hà Giang Phước Tường với số tiền 930 triệu đồng cho dự án “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo Máy lốc thép tấm dày 20mm – 80mm” và Quyết định số 4831/QĐ-UBND cho Công ty Cổ phần Công nghệ QCM với số tiền là 524 triệu đồng cho dự án “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo Máy nướng bánh từ trường” từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ thành phố năm 2021

Công ty cổ phần Cơ khí Hà Giang Phước Tường là doanh nghiệp khoa học và công nghệ, có nhiều nghiên cứu đổi mới công nghệ, là đơn vị Cơ khí đầu tiên tại Việt Nam nghiên cứu chế tạo máy lốc thép tấm dày đến 80mm, tạo ra sản phẩm có chất lượng tương đương thế giới, thay thế máy nhập ngoại. Đặc biệt, phương pháp chế tạo trục lô có độ bền cao hơn 1,5 lần so với trục thông thường, có độ chống cong, chống uốn xoắn và chống nứt gãy tốt đã được đăng ký sở hữu trí tuệ. Ông Hà Giang – Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty cho biết “nếu được phát triển rộng rãi mô hình nghiên cứu này sẽ là cơ sở để thu nhỏ kích thước máy móc thiết bị, giảm chi phí và tăng độ bền dẫn đến việc tiêu thụ sắt thép giảm, tiết kiệm nguyên vật liệu, giảm khai thác tài nguyên thiên nhiên; từ đó góp phần bảo vệ môi trường”.

Trong bối cảnh, các thiết bị lốc thép tấm tạo ra các sản phẩm đáp ứng được yêu cầu về kích cỡ, chất lượng cho các dự án điện gió, thủy điện,…hiện nay được nhập hoàn toàn từ nước ngoài với giá thành cao; việc sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng thiết bị gặp nhiều khó khăn thì việc chế tạo thành công và làm chủ công nghệ Máy lốc thép tấm dày 20mm-80mm góp phần tạo ưu thế cạnh tranh cho Công ty trong quá trình đàm phán các hợp đồng chế tạo, sản xuất.

Đối với Công ty Cổ phần Công nghệ QCM - là doanh nghiệp khoa học và công nghệ, chuyên nghiên cứu về các giải pháp công nghệ cơ khí tự động hóa phục vụ nông nghiệp, chế biên nông sản thực phẩm và một số ngành sản xuất khác. Trong đó, Máy nướng bánh từ trường do Công ty Cổ phần Công nghệ QCM chế tạo là dây chuyền sản xuất nướng bánh quy mô công nghiệp, hiện đại. Công suất hoạt động của máy là 195kW, nhiệt độ hoạt động: 170-200oC, tốc độ băng tải từ 0-10m/phút, hệ thống khuôn bánh gồm 64 khuôn, điều khiển tự động bằng phần mềm tiếng Việt, tích hợp các yếu tố công nghệ tiên tiến, có thể điều khiển và dễ dàng sử dụng với giao diện đơn giản. Công nghệ này hoàn toàn có thể phát triển các máy móc phục vụ ngành nông nghiệp cũng như ngành sản xuất, chế biến thực phẩm.

Dây chuyền nướng bánh công nghệ từ trường của Công ty Cổ phần công nghệ QCM đã được thương mại hóa và ứng dụng tại công ty TNHH Đông Phương trong sản xuất bánh xuất khẩu sang thị trường Nhật bản. Theo đánh giá của Công ty TNHH Đông Phương, máy nướng bánh từ trường hoạt động ổn định, tăng năng suất 1,5 lần, giảm tỉ lệ sản phẩm lỗi so với máy nướng bánh trước đây. Việc sử dụng máy nướng bánh từ trường góp phần cải thiện môi trường làm việc (nhiệt độ môi trường làm việc giảm từ 5-7oC so với sử dụng điện và gas; giảm áp lực cho hệ thống thông khí nhà xưởng sản xuất), giảm nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe công nhân, tiết kiệm năng lượng (tiết kiệm 14,8% so với dùng gas) và giảm khả năng cháy nổ, đảm bảo an toàn lao động. 

Về định hướng của Chính phủ trong viêc hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ngày 25/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 118/QĐ-TTg về Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030. Mục tiêu của Chương trình là tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, có giá trị gia tăng cao; thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp ở vùng nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là (1) Số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 15%/năm (2)  100% các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm trực tiếp tham gia Chương trình hình thành các tổ chức nghiên cứu và phát triển; có từ 3 đến 5 ngành sản xuất sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm làm chủ hoặc tạo ra được công nghệ tiên tiến trong chuỗi giá trị để sản xuất ra các sản phẩm, có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường (3) Thúc đẩy tăng năng suất lao động trên cơ sở đổi mới công nghệ, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, sử dụng công nghệ cao; các doanh nghiệp trực tiếp tham gia Chương trình có năng suất lao động cao hơn ít nhất 1,5 lần năng suất lao động khi chưa đổi mới công nghệ (4) Khoảng 5.000 kỹ sư, kỹ thuật viên và cán bộ quản lý trong các doanh nghiệp được tập huấn, đào tạo về quản lý công nghệ, quản trị công nghệ và cập nhật công nghệ mới ở 10 lĩnh vực chủ lực, trọng điểm thông qua hình thức tại chỗ và trực tuyến và (5) Hình thành tại mỗi vùng kinh tế ít nhất một mô hình nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ điển hình phù hợp với điều kiện đặc thù của địa bàn để triển khai nhân rộng. 

Ảnh minh họa (Nguồn: thuvienphapluat.vn)

Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện của Chương trình là (1) Hoàn thiện thể chế pháp lý thúc đẩy hoạt động đổi mới công nghệ; nghiên cứu đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp và thúc đẩy hình thành các tổ chức nghiên cứu và phát triển trong các doanh nghiệp; (2) Xây dựng, triển khai lộ trình nâng cao năng lực công nghệ quốc gia; trong đó, xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu hiện trạng, trình độ và năng lực công nghệ trong các ngành, lĩnh vực theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế; Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu về công nghệ mới, công nghệ tiên tiến và lực lượng chuyên gia công nghệ phục vụ doanh nghiệp khai thác, sử dụng và đổi mới công nghệ (3) Nghiên cứu, ứng dụng, làm chủ công nghệ tiên tiến trong việc sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm, có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị và có tính cạnh tranh cao trên thị trường; (4) Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ (5)  Đẩy mạnh hỗ trợ hoạt động đổi mới công nghệ tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; (6) Tăng cường nguồn lực tài chính thực hiện Chương trình và (7) là Đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy chuyển giao các công nghệ mới, tiên tiến từ các nước phát triển ưu tiên các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có tiềm năng ứng dụng lan tỏa tại nhiều doanh nghiệp trong nước, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Trên cơ sở Chương trình này, UBND thành phố tăng cường khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, đặc biệt là các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, Khu công nghệ cao tham gia đổi mới, chuyển giao công nghệ; Ứng dụng công nghệ tiên tiến, tự động hóa vào trong sản xuất theo xu hướng công nghiệp 4.0 theo Nghị quyết số 52-NQ/TW và Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị, đạt mục tiêu nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXII nhiệm kỳ 2020-2025 về Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, thành phố thông minh, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính quyền số.

Minh Dung – Phòng Quản lý MT, KHCN&ƯT


TRỤ SỞ:

     Lô A17, đường Trung tâm, Khu công nghệ cao, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng

    0236 3666117           

    dhpiza@danang.gov.vn

   Điện thoại bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và Trả kết quả cho công dân, tổ chức: 0236.3666100.

©© Bản quyền của Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng

Giấy phép: Số 05/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cấp ngày 02/01/2020

Trưởng Ban biên tập: Trần Văn Tỵ, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng

Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng" hoặc "www.dhpiza.danang.gov.vn" khi trích dẫn lại thông tin từ Website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Đăng nhập