Tìm kiếm
Chủ động thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa phát triển sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay
Người đăng tin: Thời Phước Hồ Ngày đăng tin: 05/10/2021 Lượt xem: 141

Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đang trên đà phát triển và bước sang một giai đoạn mới với nhiều vận hội và thách thức gắn liền với nền tảng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng


Trong năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường trên quy mô toàn cầu, hoạt động xây dựng và phát triển của Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, sự phối hợp có trách nhiệm của các sở, ngành, sự nỗ lực của Ban Quản lý, Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp đã có những kết quả khả quan trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, khắc phục ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. 

Kết quả hoạt động kinh tế tại Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng năm 2020

Về quy mô hoạt động, tính đến hết năm 2020, Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã thu hút 491 dự án, trong đó 363 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 26.507,9 tỷ đồng và 128 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 1.598,7 triệu USD. Trong đó, theo số liệu thống kê đến hết năm 2020, có khoảng 450 dự án đã triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường; kim ngạch xuất khẩu đạt 1.099,621 triệu USD (chiếm tỷ lệ 71,5% toàn thành phố); kim ngạch nhập khẩu đạt 995,611 triệu USD (chiếm tỷ lệ 82,15% toàn thành phố); nộp ngân sách đạt 5.579,061 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 25,23% toàn thành phố); giải quyết việc làm cho 69.500 người lao động (chiếm tỷ lệ 18,55% lực lượng lao động toàn thành phố). 

Ở quy mô địa phương, Đà Nẵng là một trong những tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng lớn nhất của dịch bệnh COVID-19, là 1 trong 7 địa phương tăng trưởng âm trong năm 2020. Đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ tại Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường gây giảm tốc độ tăng trưởng ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực. 

Để đánh giá cụ thể và chi tiết hơn cũng như đề ra các giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng nêu trên, cuối năm 2020, Ban Quản lý đã tổ chức khảo sát, đánh giá về việc ảnh hưởng của Dịch bệnh Covid-19 đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (thực hiện trên mẫu khảo sát 150 doanh nghiệp). Kết quả khảo sát cho biết 65,4% doanh nghiệp sụt giảm nguồn thu/dòng tiền để đảm bảo các chi phí, 63% doanh nghiệp khó khăn trong việc đi lại để tìm kiếm khách hàng mới, 61,4 % doanh nghiệp bị tác động bởi việc suy giảm thị trường trong nước, khoảng 30% -35% doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi suy giảm năng lực sản xuất do hạn chế hoạt động/ làm việc tại nhà; không có nguồn thu để đảm bảo chi phí; thiếu hụt nguồn vốn kinh doanh và nguyên vật liệu đầu vào. Với kết quả khảo sát trên, có thể thấy rằng rất nhiều gánh nặng đang đè lên đôi vai của các doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực, từng giai đoạn hoạt động (nguyên vật liệu đầu vào, sản xuất, nhân công, thị trường đầu ra, xuất nhập khẩu…). 

Tình hình phát triển kinh tế quý I/2021

Quý I/2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, cả nước bùng phát các ca lây nhiễm trong cộng đồng tại nhiều địa phương, gây ra nhiều tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng.

Với tinh thần quyết liệt thực hiện mục tiêu kép vừa tăng cường phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế, nhìn chung Ban Quản lý cũng đã triển khai, thực hiện tốt các chỉ đạo của thành phố về chủ động kiểm soát tình hình dịch bệnh Covid-19 từ trước, trong, và sau Tết nguyên đán tại Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng. Theo đó, tình hình hoạt động phát triển kinh doanh tại Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã có những bước khởi sắc mới.

Sự chuyển biến tích cực ở nhiều doanh nghiệp có quy mô hoạt động và nộp ngân sách lớn tại Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp như: Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam, Công ty TNHH Điện tử Việt Hoa, Công ty TNHH Mabuchi Motor, Công ty TNHH TICE Việt Nam, Công ty TNHH MTV ống thép Hòa Phát, Công ty TNHH Cao su Đà Nẵng, Công ty TNHH Bao bì nước giải khát Crown, Công ty CP đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng, Công ty TNHH MTV Sổ xố và dịch vụ in Đà Nẵng, Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, cho thấy tình hình phát triển kinh tế đang dần dần phục hồi, các chỉ số tăng trưởng âm đang dần được thu hẹp. Cùng với việc Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết tháng 11/2020 đã và đang dần tạo ra cơ hội cho một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày (hiện tại đối với nhóm ngành này, các thị trường chủ lực vẫn chưa kiểm soát được dịch bệnh). 

Các chỉ tiêu hoạt động sản xuất kinh doanh Quý I/2021 của doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp giảm khoảng 4% so với cùng kỳ năm ngoái (toàn ngành giảm 6,92%). Tuy nhiên, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh quý I/2021 đã có những chuyển biến tích cực và tăng trưởng 3-4% so với quý IV/2020. 

Một số giải pháp thực hiện mục tiêu kép vừa chủ động phòng chống dịch, vừa giải quyết, hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp trong thời gian đến 

1. Tuyên truyền kịp thời và kiểm tra thực tế các doanh nghiệp về các nội dung chỉ đạo của UBND thành phố, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 thành phố đến các doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp các nội dung chính sau: Xây dựng kế hoạch đáp ứng mọi tình huống dịch bệnh xảy ra tại doanh nghiệp; nhắc nhở người lao động chấp hành nghiêm các yêu cầu, biện pháp phòng chống dịch theo quy định; thực hiện yêu cầu 5K của Bộ y tế tại nhà máy, xí nghiệp, cơ quan; yêu cầu người lao động khai báo y tế theo quy định.

2. Vận dụng và thực hiện tốt cơ chế “Một cửa” trong giải quyết các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp; Điều chỉnh, xây dựng mới các quy chế phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan để tạo cơ sở đồng bộ và hiệu quả trong việc giải quyết vấn đề khó khăn cho doanh nghiệp.

3. Tích cực đổi mới phong cách làm việc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, làm tốt công tác hướng dẫn, phổ biển chính sách, pháp luật, cung cấp các dịch vụ hành chính công, thủ tục hành chính thuận lợi; bám sát, nắm vững tình hình doanh nghiệp, hỗ trợ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động, sản suất kinh doanh (cung cấp nguồn lao động, hỗ trợ xây dựng quan hệ lao động, giải quyết tranh chấp lao động, xử lý các vấn đề về điện nước, thông tin liên lạc, môi trường…), trở thành chỗ dựa tin cậy cho nhà đầu tư và doanh nghiệp.

4. Tăng cường hoạt động kết nối các doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi ngành nghề, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả chuyển nhượng tài sản, nhà xưởng cho nhà đầu tư có tiềm năng, có năng lực sản xuất.

5. Hỗ trợ các vấn đề về xuất nhập cảnh, hướng dẫn chi tiết cho doanh nghiệp về thủ tục xuất nhập cảnh.

Trần Phước Vững - Phòng Quản lý Doanh nghiệp và Lao động
Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng


TRỤ SỞ:

     Lô A17, đường Trung tâm, Khu công nghệ cao, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng

    0236 3666117           

    dhpiza@danang.gov.vn

   Điện thoại bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và Trả kết quả cho công dân, tổ chức: 0236.3666100.

©© Bản quyền của Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng

Giấy phép: Số 05/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cấp ngày 02/01/2020

Trưởng Ban biên tập: Trần Văn Tỵ, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng

Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng" hoặc "www.dhpiza.danang.gov.vn" khi trích dẫn lại thông tin từ Website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Đăng nhập