Tìm kiếm
Chuyển đổi số và tiếp cận của thành phố Đà Nẵng
Người đăng tin: Thời Phước Hồ Ngày đăng tin: 07/10/2021 Lượt xem: 47


Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã bắt đầu từ vài năm gần đây và đang tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, được hiểu là cuộc cách mạng về sản xuất thông minh dựa trên các thành tựu đột phá trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano… với nền tảng là đột phá của công nghệ số. Để thực hiện được cuộc Cách mạng này thành công, các nước phải thực hiện “Chuyển đổi số”.

Chuyển đổi số là “chìa khóa” để nước ta tham gia nhanh hơn trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; trước mắt tận dụng được xu thế, công nghệ cho phát triển thịnh vượng, thay đổi thứ hạng; cũng như để chính phủ, chính quyền, doanh nghiệp, xã hội không tụt hậu hoặc thậm chí phá sản. Để triển khai Chuyển đổi số tại Việt Nam hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/06/2020 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (gọi tắt là Quyết định 749).

1. Về quan điểm

Đối với thành phố Đà Nẵng, Chuyển đổi số là bước chuyển tất yếu, mang tính bắt buộc, nhằm chuyển đổi căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo của các cấp ủy và tổ chức Đảng; hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và phương thức, lối sống, làm việc của người dân; phát triển môi trường số văn minh, an toàn, rộng khắp và bao trùm; là cơ hội giải quyết các điểm nghẽn cũng như đột phá trong phát triển thành phố, hướng đến thành phố Đà Năng là đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh, đáng sống như Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025.

Xác định chuyển đổi số là “động lực” trong phát triển thành phố, Thành phố Đà Nẵng xem Chuyển đổi số là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài; phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và trọng tâm, trọng điểm, có lan tỏa, “dẫn dắt”; kế thừa được những thành tựu phát triển công nghệ và ứng dụng, dữ liệu số đã có, đi đôi với phát triển mới; tận dụng tối đa nguồn lực của Trung ương, xã hội và hợp tác quốc tế.

Chuyển đổi số trước tiên là thay đổi thể chế, chuyển đổi về nhận thức, từ đó thay đổi cách làm, và sử dụng công nghệ số để thực thi, đạt mục đích. Do đó, phạm vi triển khai Chuyển đổi số của thành phố Đà Nẵng không chỉ là các nhiệm vụ, chương trình, dự án liên quan đến công nghệ thông tin, phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, nền tảng và ứng dụng thông minh, mà còn bao gồm các nhiệm vụ quan trọng khác như:  kiến tạo thể chế, đổi mới khu vực công, cải cách quy trình; chuyển đổi nhận thức trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân; đào tạo kỹ năng số, phát triển nhân lực số,... 

Trong quá trình triển khai Chuyển đổi số, thành phố Đà Nẵng sẽ kế thừa các kết quả triển khai chương trình, dự án của Đề án Xây dựng thành phố thông minh, bổ sung thêm các nhiệm vụ khác để triển khai thành công 03 trụ cột Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số; đồng thời tạo cơ chế, chính sách để từng người dân, doanh nghiệp cùng tham gia, hình thành doanh nghiệp số, công dân số của thành phố.

2. Về Khung tham chiếu

Trên cơ sở Chương trình Chuyển đổi số quốc gia và tham khảo khung chuyển đổi số của các quốc gia, Tổ chức thế giới, 05 lĩnh vực ưu tiên phát triển của thành phố theo Nghị quyết 43/NQ-TW của Bộ Chính trị và hiện trạng liên quan đến chuyển đổi số của Đà Nẵng; thành phố Đà Nẵng đưa ra Khung tham chiếu Chuyển đổi số thành phố Đà Nẵng như hình sau:

Khung tham chiếu Chuyển đổi số thành phố Đà Nẵng

Trong Khung tham chiếu này, ba khái niệm quan trọng về Chính quyền số, Kinh tế số, Công dân số được hiểu như sau:

- Chính quyền số là Chính quyền đưa toàn bộ hoạt động của mình lên môi trường số, không chỉ nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động mà đổi mới mô hình hoạt động, thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ dựa trên công nghệ số và dữ liệu, cho phép doanh nghiệp cùng tham gia vào quá trình cung cấp dịch vụ. Đặc biệt, trong Khung tham chiếu của Đà Nẵng, khái niệm “Chính quyền” không chỉ bao gồm các cơ quan nhà nước tại thành phố Đà Nẵng như HĐND, UBND các cấp, các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp,... mà còn bao gồm các cơ quan Đảng, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội của thành phố Đà Nẵng. Việc triển khai chuyển đổi số trong cơ quan Đảng, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội là tiên phong, góp phần lan tỏa cho việc triển khai trong toàn xã hội. 

- Kinh tế số: Hiện nay, trên thế giới chưa có một định nghĩa về Kinh tế số được thống nhất và chấp nhận rộng rãi do còn có nhiều quan điểm khác nhau. Nhằm tối đa hóa tầm ảnh hưởng và tác động của Chuyển đổi số lên sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố Đà Nẵng, thành phố sử dụng khái niệm Kinh tế số theo Bộ Thông tin và Truyền thông (Cẩm nang Chuyển đổi số) và Bộ Khoa học và Công nghệ (Báo cáo Tương lai nền Kinh tế số Việt Nam hướng tới năm 2030 và 2045, CSIRO, 2019). Về lĩnh vực kinh tế ưu tiên triển khai, ngoài các lĩnh vực theo Quyết định số 749/QĐ-TTg  (y tế; giáo dục; tài chính - ngân hàng; nông nghiệp; giao thông vận tải và logistics; năng lượng; tài nguyên và môi trường; và sản xuất công nghiệp) kết hợp với 05 lĩnh vực ưu tiên theo như Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (Du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng ,Cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics, công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp); đồng thời hỗ trợ cho việc thiết lập Trung tâm tài chính khu vực.

- Xã hội số: Là kết quả phản ánh của xã hội hiện đại dựa trên công nghệ số để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trong học tập, sinh sống, làm việc, giải trí, đảm bảo an sinh, phúc lợi và công bằng xã hội. Theo Cẩm nang Chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông; Xã hội số bao gồm công dân số và văn hóa số. Về lĩnh vực xã hội ưu tiên triển khai, ngoài các lĩnh vực theo Quyết định số 749/QĐ-TTg, Đà Nẵng ưu tiên thêm triển khai về an toàn vệ sinh thực phẩm (lồng ghép trong lĩnh vực y tế) và các yếu tố để lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm trong chuyển đổi số và theo hướng xây dựng “Thành phố đánh sống”.

3. Về các chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể

Về Chính quyền số: Các cơ quan Đảng, chính quyền, mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội tiên phong đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý nhà nước, vận động quần chúng dựa trên công nghệ số và dữ liệu số nhằm vận hành chính quyền đô thị thông suốt, hiệu quả, dẫn dắt phát triển kinh tế số, xã hội số. Kinh tế số phát triển mạnh mẽ và thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế khác, tạo thêm ngành kinh tế mới; Phát triển xã hội số để thu hẹp khoảng cách số, nâng cao đời sống người dân, góp phần hình thành “Thành phố đáng sống”. Đặc biệt, ngoài các mục tiêu, chỉ tiêu theo Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Đà Nẵng bổ sung nhiều mục tiêu, chỉ tiêu chi tiết. Đến năm 2025 có 64 chỉ tiêu (bổ sung 50 chỉ tiêu so với Quyết định 749).

Thành phố Đà Nẵng xác định Chuyển đổi số là phương tiện, giải pháp triển khai để đạt mục tiêu đến năm 2030: “Hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN” được xác định tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để triển khai Chuyển đổi số hiệu quả và thành công; Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số, UBND thành phố ban hành Đề án về chuyển đổi số đến năm 2030 và từng Sở, ban, ngành, UBND quận, huyện trong năm 2021 ban hành Kế hoạch chi tiết chuyển đổi số đến năm 2025.

Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng


TRỤ SỞ:

     Lô A17, đường Trung tâm, Khu công nghệ cao, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng

    0236 3666117           

    dhpiza@danang.gov.vn

   Điện thoại bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và Trả kết quả cho công dân, tổ chức: 0236.3666100.

©© Bản quyền của Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng

Giấy phép: Số 05/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cấp ngày 02/01/2020

Trưởng Ban biên tập: Trần Văn Tỵ, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng

Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng" hoặc "www.dhpiza.danang.gov.vn" khi trích dẫn lại thông tin từ Website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Đăng nhập