Khu công nghệ cao (CNC) Đà Nẵng được thành lập theo Quyết định số 1979/QĐ-TTg ngày 28/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ là một trong ba Khu CNC đa chức năng cấp quốc gia của cả nước, bên cạnh Khu CNC Hòa Lạc, Hà Nội và Khu CNC Thành phố Hồ Chí Minh (theo Quy hoạch tổng thể phát triển Khu CNC đến năm 2020 tầm nhìn 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 792/QĐ-TTg ngày 08/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ). Qua tiến trình 07 năm xây dựng và phát triển, với tổng diện tích đất quy hoạch là 1.128,4 ha, đến nay, Khu CNC Đà Nẵng đã thu hút được 06 dự án với tổng vốn đầu tư 144 triệu USD, diện tích đất thuê là 16,6 ha, trong đó có 02 dự án FDI sản xuất CNC có vốn đầu tư 100% từ Nhật Bản, đã đi vào hoạt động tại Khu CNC.
Khu CNC Đà Nẵng được xác định là một trong các dự án trọng điểm, có ý nghĩa quyết định và mang tầm chiến lược trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Sứ mệnh của Khu CNC Đà Nẵng là phát triển hoạt động nghiên cứu, ươm tạo, chuyển giao, ứng dụng CNC; Đào tạo nguồn nhân lực CNC; Ươm tạo doanh nghiệp CNC; Thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Sản xuất kinh doanh và dịch vụ CNC và hoạt động đầu tư mạo hiểm, sẽ là đòn bẩy chuyển đổi mạnh mẽ sự phát triển của khoa học - công nghệ tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên Việt Nam.
Từ thực tiễn thành công của các mô hình phát triển Khu CNC trên thế giới như Khu thung lũng Silicon (Silicon Valley) phía Bắc California, Mỹ, nơi tập trung hàng ngàn các tập đoàn công nghệ lớn về lĩnh vực công nghệ bán dẫn, công nghệ thông tin và máy tính nằm trong danh sách Forbes 500 như Intel, AMD (Advanced Micro Devices), IBM và Microsoft nằm xung quanh Viện Đại học Stanford, một trong các viện đại học tốt nhất tại Hoa Kỳ; Khu liên hợp khoa học kỹ thuật CNC Sophia Antipolis (được so sánh như ''thung lũng Silicon'' của Pháp) nằm ở thành phố Nice, phía Nam nước Pháp là nơi tập trung các công ty công nghệ hàng đầu như Amadeus, HP, Orange, Air France nằm xoay quanh Đại học Nice Sophia Antipolis, là một trường đại học đa ngành nằm trong vùng Nice, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động nghiên cứu, phát triển khoa học và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao đối với Khu công nghệ Sophia Antipolis; Công viên Khoa học Tân Trúc (Hsinchu Science Park), Đài Loan, Trung Quốc chuyên về chế tạo vi mạch và thiết bị điện tử đã rất thành công với các tên tuổi công ty nổi tiếng như TSMC, AU, UMC và vô số các nhà sản xuất bán dẫn với sự cộng tác của Đại học Quốc lập Thanh Hoa, Đại học Quốc lập Giao thông, Đại học Trung Hoa, Đại học Huyền Trang, Viện Khoa học và Công nghệ Bắc Vân và Viện Khoa học Quốc gia đóng tại Khu công nghiệp; ta có thể thấy vai trò hạt nhân của Khu CNC trong sự gắn kết với trường đại học, viện nghiên cứu chính là công cụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế hiệu quả nhất từ nền kinh tế công nghiệp đến nền kinh tế tri thức, thúc đẩy kinh tế quốc gia thông qua sử dụng hiệu quả trí tuệ cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Cho đến nay, Khu CNC Đà Nẵng đã đạt được một số kết quả khả quan, có nhiều điều kiện thuận lợi để chuyển sang một giai đoạn phát triển mới mang tính đột phá nhưng cũng đối mặt không ít thách thức, khó khăn, đòi hỏi phải có một chiến lược phát triển phù hợp. Để xây dựng và phát triển Khu CNC theo đúng định hướng là Khu CNC đa chức năng, trong đó tập trung phát triển hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), ươm tạo và đào tạo bên cạnh hoạt động sản xuất, tránh nguy cơ trở thành khu công nghiệp CNC, việc định hướng sự tham gia của các trường đại học, các viện nghiên cứu trong nước và quốc tế vào Khu CNC Đà Nẵng là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu bên cạnh nhiệm vụ xúc tiến thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Với ý nghĩa đó, Ban Quản lý Khu CNC Đà Nẵng đã chú trọng chọn các đại học lớn, uy tín trong nước và quốc tế đang phát triển mạnh hoạt động R&D, ươm tạo công nghệ, thương mại hóa sản phẩm công nghệ trong sự gắn kết của mối quan hệ hợp tác đại học và công nghiệp, trong đó, nổi bật, Ban Quản lý Khu CNC đã liên tiếp ký kết biên bản hợp tác với Đại học quốc gia Hanbat, Hàn Quốc (HNU) (tháng 7/2017) và Đại học Đà Nẵng (UDN) (tháng 8/2017).
HNU là một trong 09 đại học quốc gia của Hàn Quốc, được thành lập năm 1927, toạ lạc tại thành phố Daejeon, trung tâm phía Nam Hàn Quốc. Với phương châm “Hội nhập, Hòa hợp và Sáng tạo”, HNU là một trong những đại học tổng hợp có tên tuổi tại Hàn Quốc với cơ sở vật chất hiện đại. Trường được đánh giá là một trong các trường đại học có triển vọng nhất trong việc cộng tác, hỗ trợ các doanh nghiệp và đã dành giải HNU Project (Đại học Quốc gia đổi mới trong khu vực). HNU có Viện Hợp tác Công nghiệp - Đại học, một trong các Viện nghiên cứu hoạt động mạnh mẽ trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển công nghệ, chuyển giao và thương mại hóa công nghệ, cung ứng nguồn nhân lực nghiên cứu chất lượng cao, góp phần đáng kể phát triển Thung lũng Khoa học Daedeok, thành phố Deajon, Hàn Quốc. Thiết lập quan hệ hợp tác với HNU mở ra một nền tảng hợp tác bình đẳng, hỗ trợ, chia sẻ các kinh nghiệm lẫn nhau về định hướng phát triển đẩy mạnh hoạt động R&D, kinh nghiệm chuyển giao công nghệ, phát triển hoạt động start-up, hỗ trợ cung ứng nguồn nhân lực nghiên cứu chất lượng cao cho các doanh nghiệp Hàn Quốc trong Khu CNC Đà Nẵng cũng như các hoạt động cộng tác trong công tác đào tạo hướng dẫn thực tập cho sinh viên đại học, sau đại học tại Khu CNC Đà Nẵng.
Trong hệ thống trường học và cơ sở đào tạo tại Đà Nẵng, Đại học Đà Nẵng là đại học vùng cấp quốc gia, đa ngành, đa cấp, đóng vai trò trọng yếu trong việc đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực cho cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên, đang có định hướng phát triển trở thành Đại học nghiên cứu hàng đầu khu vực ASEAN. Trên cơ sở đó, để có thể hợp tác phát triển hoạt động nghiên cứu - phát triển, ươm tạo và đào tạo tại thành phố Đà Nẵng, và là tiền đề để Khu CNC Đà Nẵng thành lập 03 Trung tâm gồm Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và Phát triển công nghệ; Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp CNC và Trung tâm Đào tạo trong Khu CNC Đà Nẵng, thì việc hợp tác chiến lược giữa Khu CNC Đà Nẵng với Đại học Đà Nẵng là một sự gắn kết gần gũi, rất cần thiết cho sự phát triển của các bên trong điều kiện hiện nay. Đại học Đà Nẵng sở hữu cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, trang thiết bị cũng như nguồn nhân lực dồi dào đáp ứng được yêu cầu hoạt động R&D trong Khu CNC. Đại học Đà Nẵng cũng sẽ liên kết với Ban Quản lý Khu CNC thẩm định các dự án đầu tư, tư vấn hoạch định mô hình hoạt động của các Trung tâm Nghiên cứu, Ươm tạo và Đào tạo trong Khu CNC, tư vấn xác định các sản phẩm CNC ưu tiên với thị trường thương mại hóa các kết quả nghiên cứu. Bên cạnh đó, Đại học Đà Nẵng sẽ hỗ trợ Ban Quản lý Khu CNC thiết lập quan hệ hợp tác với các cơ sở nghiên cứu, đào tạo quốc tế nhằm hỗ trợ đẩy mạnh hoạt động R&D trong Khu CNC Đà Nẵng.
Việc tham gia của các trường đại học, các viện nghiên cứu, các nhà nghiên cứu vào các Khu CNC là một xu thế tất yếu được chứng minh qua quá trình hình thành và phát triển các khu CNC trên thế giới. Sự gắn kết này đã mang lại những bước đột phá và thành công cho các Khu CNC trong việc thúc đẩy phát triển CNC, các sản phẩm CNC, thương mại hóa sản phẩm CNC, làm tiền đề đổi mới nền công nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng cho nền kinh tế của các quốc gia. Cùng với kinh nghiệm hình thành và phát triển của các Khu CNC Hòa Lạc và Khu CNC Thành phố Hồ Chí Minh, Khu CNC Đà Nẵng đang từng bước nỗ lực để hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, đẩy mạnh liên kết với các Đại học lớn trong nước và quốc tế nhằm tạo nền tảng để phát triển hoạt động R&D, cung ứng nguồn nhân lực nghiên cứu chất lượng cao cho Khu CNC Đà Nẵng. Bên cạnh đó, mô hình liên kết giữa HNU - Thung lũng Khoa học Daedeok sẽ là hình mẫu thành công để Ban Quản lý Khu CNC Đà Nẵng và Đại học Đà Nẵng học tập trong việc phát triển mối quan hệ hợp tác chiến lược của mình.
Việc thiết lập quan hệ hợp tác giữa Khu CNC Đà Nẵng và Đại học quốc gia Hanbat, Hàn Quốc và Đại học Đà Nẵng sẽ là tiền đề để Khu CNC Đà Nẵng nỗ lực vươn lên tạo bước đột phá mới trong việc hoạch định chiến lược phát triển, trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp về khoa học và công nghệ tại Đà Nẵng và Khu vực Miền Trung - Tây Nguyên, Việt Nam.
(TS. Võ Văn Chi, Ths. Nguyễn Thị Minh Dung
(Ban Quản lý Khu công nghệ cao Đà Nẵng)