Tìm kiếm
KINH NGHIỆM MÔ HÌNH QUẢN LÝ KHU CÔNG NGHỆ CAO ĐÀ NẴNG
Người đăng tin: Thời Phước Hồ Ngày đăng tin: 25/03/2022 Lượt xem: 199

Tham luận Hội thảo Mô hình và cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển Khu công nghệ cao ở Việt Nam


Khu công nghệ cao Đà Nẵng được thành lập khoảng 10 năm sau các khu CNC đầu tiên nên được kế thừa các mô hình quản lý và có nhiều đặc trưng riêng phù hợp với đặc thù và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng. Do đó, mô hình quản lý Khu công nghệ cao Đà Nẵng có những điểm tương đồng và khác biệt, thường xuyên thay đổi, điều chỉnh kịp thời và đang tiếp tục hoàn thiện

1. Mô hình quản lý Khu công nghệ cao Đà Nẵng

* Giai đoạn năm 2010-2018

Khu công nghệ cao (CNC) Đà Nẵng được thành lập năm 2010 sau các Khu CNC Hoà Lạc (năm 1998) và Khu CNC Thành phố Hồ Chí Minh (năm 2002). Theo đó, Ban Quản lý Khu CNC Đà Nẵng (viết tắt là Ban Quản lý) là cơ quan tương đương cấp tổng cục thuộc UBND thành phố Đà Nẵng, với cơ cấu tổ chức gồm: 08 đơn vị hành chính, 04 đơn vị sự nghiệp và 01 Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên. Tuy nhiên, cho đến khi hợp nhất, cơ cấu bộ máy Ban Quản lý chỉ có Văn phòng, 04 đơn vị hành chính và 02 đơn vị sự nghiệp trực thuộc. 

Mô hình quản lý giai đoạn này có sự kế thừa và kết hợp từ Khu CNC Hoà Lạc (cơ quan tương đương tổng cục) và Khu CNC Thành phố Hồ Chí Minh (cơ quan thuộc UBND cấp tỉnh). Do đó, Khu CNC Đà Nẵng có nhiều thuận lợi trong quá trình hình thành xây dựng và phát triển giai đoạn phôi thai như: giải phóng mặt bằng, cơ chế, chính sách hỗ trợ của thành phố, sự hỗ trợ của sở ngành địa phương,...

* Giai đoạn từ năm 2018 đến nay

Năm 2018, Ban Quản lý hợp nhất với Ban Quản lý các khu CN và chế xuất là cơ quan trực thuộc UBND thành phố (không còn tương đương tổng cục) thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước (QLNN) đối với Khu CNC và các khu CN và Khu công nghệ thông tin tập trung (bổ sung năm 2021). Cơ cấu tổ chức gồm có 05 đơn vị hành chính và 02 đơn vị sự nghiệp trực thuộc (số lượng đầu mối, biên chế hành chính, sự nghiệp giảm mạnh). Theo đó, mô hình quản lý Khu CNC Đà Nẵng hiện có nhiều điểm khác biệt.

2. Đánh giá mô hình quản lý Khu công nghệ cao Đà Nẵng

* Thuận lợi, kết quả

Trong khi các khu CNC đầu tiên phải trải qua giai đoạn dò tìm mô hình quản lý, Khu CNC Đà Nẵng được kế thừa, nhận được sự quan tâm từ Trung ương, trong đó có Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN), và nhất là sự chia sẻ kinh nghiệm của các Ban Quản lý đi trước. Bên cạnh đó, với sự sâu sát của lãnh đạo cấp cao nhất địa phương, Đà Nẵng đã kịp thời đề xuất Trung ương điều chỉnh mô hình quản lý (hợp nhất, bổ sung chức năng, nhiệm vụ). Điều này thể hiện sự linh hoạt của cả Trung ương và địa phương trong việc điều chỉnh mô hình quản lý của Khu CNC Đà Nẵng.

Các kết quả quan trọng có thể kể ra như Chính phủ ban hành Nghị định riêng về cơ chế, chính sách ưu đãi đối Khu CNC Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ quyết định hợp nhất, bổ sung chức năng, nhiệm vụ đối với Ban Quản lý, các bộ, ngành, thành phố Đà Nẵng ủng hộ các cơ chế, chính sách hỗ trợ khác như chính sách hỗ trợ nhà đầu tư, phụ cấp thu hút đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại Khu CNC Đà Nẵng.

Hình 1: Trưởng ban Ban Quản lý được Chủ tịch UBND thành phố uỷ quyền tham dự, trình bày tham luận tại Hội thảo Mô hình và cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển Khu CNC ở Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 24/3/2022

* Tồn tại, hạn chế

- Tồn tại, hạn chế chung của mô hình quản lý các khu CNC:

Thứ nhất, Luật CNC năm 2008 không điều chỉnh mô hình quản lý đối với Khu CNC, Nghị định số 99/2003/NĐ-CP điều chỉnh mô hình quản lý tại các điều 34, 35, 36 là căn cứ để Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập các Ban Quản lý với mô hình ban đầu từ cách đây gần 20 năm và vẫn chưa được điều chỉnh. Do đó, mô hình quản lý hiện vẫn chưa có nền tảng pháp lý vững chắc, chưa theo kịp với yêu cầu, tốc độ phát triển các khu CNC và dễ dàng bị mất hiệu lực do các quy định mới từ Nghị định trở lên.

Thứ hai, mô hình quản lý 03 khu CNC quốc gia với nhiều điểm khác biệt. Mặc dù, có sự hợp tác, chia sẻ ở tầm Ban Quản lý nhưng vẫn chưa có một cơ chế hợp tác, liên kết rõ rệt dưới vai trò điều phối của Trung ương trong hoạt động QLNN nhằm thực hiện một chiến lược phát triển các khu CNC chung trên cả nước.

Thứ ba, hoạt động QLNN đối với các khu CNC là tổng hợp nhiều hoạt động QLNN đa dạng trên hầu hết các lĩnh vực, dẫn đến khó khăn cho Bộ KHCN trong việc hoạch định một khung mô hình quản lý hiệu quả nhất đối với các khu CNC.

Thứ tư, Ban Quản lý được phân quyền là cơ quan đăng ký đầu tư theo Luật đầu tư nhưng vẫn chưa có thẩm quyền tổ chức đánh giá/thẩm định CNC của dự án đầu tư. Bên cạnh đó, chưa có cơ chế hậu kiểm về mặt CNC trong quá trình triển khai và hoạt động của dự án đầu tư. Điều này dẫn đến rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư.

Thứ năm, việc thực hiện các hoạt động QLNN đối với Khu CNC hiện nay còn phụ thuộc vào sự phân cấp, uỷ quyền của các cơ quan có thẩm quyền, các khu CNC gặp nhiều khó khăn về cơ chế cũng như nguồn lực trong việc chủ động thực hiện hoạt động QLNN đối với Khu CNC.

- Tồn tại, hạn chế của mô hình quản lý Khu CNC Đà Nẵng

Thứ nhất, Ban Quản lý không được quy định là cơ quan chuyên môn trong hầu hết lĩnh vực, trừ lĩnh vực xây dựng theo Luật Xây dựng, khó khăn trong việc trực tiếp thực hiện các hoạt động QLNN và thủ tục 1 cửa tại chỗ, trong khi nhiệm vụ tăng lên cả về khối lượng công việc lẫn địa bàn quản lý. Trong khi đó, số lượng biên chế, hành chính sự nghiệp không đảm bảo, chất lượng nhân sự, văn hoá công sở khác biệt từ 02 cơ quan trước đây nên cần thời gian ban đầu để ổn định tổ chức hoạt động.

Thứ hai, khác với 02 khu CNC Hoà Lạc và Thành phố Hồ Chí Minh, mô hình quản lý Khu CNC Đà Nẵng chưa có đầu mối hành chính, sự nghiệp về hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo (hiện đang ghép trong các đơn vị hành chính, sự nghiệp đa chức năng) dẫn đến khó khăn trong việc tham mưu đề xuất các cơ chế, chính sách và hoàn thiện mô hình quản lý thúc đẩy, hội tụ và lan toả các hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo tại Khu CNC Đà Nẵng.

Thứ ba, Khu CNC Đà Nẵng chưa có điều kiện thuận lợi như ở hai đầu đất nước về hoạt động nghiên cứu – phát triển (R&D), nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghiệp hỗ trợ, logistics,… nên mô hình quản lý Khu CNC Đà Nẵng cần gắn liền với cơ chế hỗ trợ, phối hợp huy động nguồn lực từ các địa phương lân cận, nhất là địa bàn vùng kinh tế trọng điểm Trung bộ, nhằm đưa Khu CNC Đà Nẵng thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung - Tây Nguyên theo định hướng quy hoạch phát triển khu CNC quốc gia đến năm 2030.

3. Một số giải pháp hoàn thiện mô hình quản lý

* Khung mô hình quản lý khu công nghệ cao đa chức năng quốc gia

Thứ nhất, quy định Ban Quản lý là cơ quan chuyên môn đối với các hoạt động QLNN chính, đặc biệt là hoạt động QLNN đặc thù về KHCN và đổi mới sáng tạo. Trong đó, xác định rõ việc phân cấp, uỷ quyền, phối hợp và các điều kiện, nguồn lực kèm theo, là cơ sở để xây dựng mô hình quản lý phù hợp với thực tiễn phát triển, đảm bảo mối quan hệ trong công tác QLNN với các cơ quan chuyên môn ở Trung ương và địa phương.

Thứ hai, quy định khung bộ máy tổ chức, số lượng biên chế hành chính nhà nước để đảm bảo thực hiện các nội dung theo mô hình QLNN các khu CNC. Do các mô hình quản lý các khu CNC đang trong giai đoạn hoàn thiện nên chưa thực hiện các chính sách tái sắp xếp, tinh giảm biên chế mà cần phải ưu tiên bố trí thêm biên chế để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ QLNN đặc thù nếu cần thiết.

Thứ ba, xác định địa vị pháp lý của các Ban Quản lý nhằm đảm bảo công tác phối hợp với các bộ ngành và địa phương trong việc thực hiện công tác QLNN trong việc xây dựng và phát triển các khu CNC. 

* Phân quyền, phân cấp, uỷ quyền đối với Ban Quản lý

Hiện nay, ngoài một số thẩm quyền được phân quyền tài Luật Đầu tư và Luật Xây dựng, Ban Quản lý được quy định nhiều chức năng, nhiệm vụ QLNN trong quyết định thành lập nhưng trên thực tế, việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ này gặp nhiều khó khăn vướng mắc do chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành và không được phân bổ nguồn lực đảm bảo thực hiện.

* Cơ chế liên kết giữa các Ban Quản lý, bộ ngành, địa phương, viện, trường,…

Nhằm đảm bảo huy động nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển đồng bộ, hiệu quả các khu CNC trên bình diện quốc gia, cần có một cơ chế liên kết, phối hợp hoàn thiện giữa các Ban Quản lý, bộ ngành, địa phương, viện, trường, các doanh nghiệp mỏ neo và các cá nhân, tổ chức liên quan với sự chủ trì trực tiếp của một Bộ chủ quản, kịp thời đề xuất Trung ương có những điều chỉnh, hoàn thiện mô hình quản lý khu CNC.

Hình 2: Đại biểu tham dự Hội thảo: GS. TS. Nguyễn Thiện Nhân, Đại biểu Quốc hội, nguyên UV BCT; PGS. TS. Huỳnh Thành Đạt, UV BCH TW Đảng (hàng trước, đứng giữa), Bộ trưởng Bộ KHCN và đại diện các Bộ ngành, địa phương, các Khu CNC quốc gia

4. Kiến nghị, Kết luận

Trước mắt, kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định quy định về Khu CNC, trong đó xác định khung mô hình QLNN và cơ chế phân cấp, uỷ quyền hoạt động QLNN dưới sự giám sát, hướng dẫn, điều phối của Bộ chủ quản, từng bước tháo gỡ các rào cản, hoàn thiện mô hình quản lý, tạo đà phát triển các Khu CNC trên cả nước.

Về dài hạn, trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện Nghị định, kinh nghiệm quốc tế, nhằm phát triển các Khu CNC về dài hạn, kiến nghị Chính phủ xem xét đề xuất Quốc hội xem xét thí điểm các cơ chế, chính sách vượt trội, đặc biệt tiến đến xây dựng một Luật riêng về Khu CNC, trong đó có nội dung điều chỉnh mô mình quản lý, phân quyền, phân cấp uỷ quyền đối với Ban Quản lý./.

Phạm Trường Sơn, 
Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng


TRỤ SỞ:

     Lô A17, đường Trung tâm, Khu công nghệ cao, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng

    0236 3666117           

    dhpiza@danang.gov.vn

   Điện thoại bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và Trả kết quả cho công dân, tổ chức: 0236.3666100.

©© Bản quyền của Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng

Giấy phép: Số 05/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cấp ngày 02/01/2020

Trưởng Ban biên tập: Trần Văn Tỵ, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng

Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng" hoặc "www.dhpiza.danang.gov.vn" khi trích dẫn lại thông tin từ Website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Đăng nhập