Tìm kiếm
Những điểm đáng chú ý cho doanh nghiệp đối với giao dịch vay vốn ngân hàng theo Nghị định 132/2020/NĐ-CP
Người đăng tin: Thời Phước Hồ Ngày đăng tin: 20/10/2022 Lượt xem: 638


1. Tổng quan về Nghị định số 132/2020/NĐ-CP

Ngày 5/11/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 132/2020/NĐ-CP (“Nghị định 132/2020”) quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Nghị định 132/2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 20/12/2020, tuy kế thừa các quy định của Nghị định 20/2017/NĐ-CP, nhưng hiện tại Tổng cục thuế có giải thích cho rằng các doanh nghiệp đối với giao dịch vay vốn với ngân hàng có thể bị xác định là giao dịch liên kết (Vui lòng xem trả lời của Tổng cục thuế đăng tải trên cổng thông tin Thuế Việt Nam ngày 18/3/2021 tại Tổng Cục Thuế - Bộ Tài Chính - Chi tiết câu hỏi (gdt.gov.vn))

Theo cách hiểu mới từ Tổng Cục thuế nêu trên, các doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý các vấn đề như (i) hạn mức vay vốn; (ii) kê khai giao dịch liên kết; và (iii) tham vấn ý kiến cơ quan quản lý thuế trước khi tiến hành vay vốn, để tránh rủi ro về thuế phát sinh sau này. Bài viết dưới đây nêu các điểm chính cần lưu ý để doanh nghiệp tham khảo và quyết định.

2. Giao dịch giữa doanh nghiệp và ngân hàng có bị xác định là giao dịch liên kết?

Theo quy định Điều 5.2(d) Nghị định số 132/2020 “Một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay” thì được xem là các bên có mối liên hệ liên kết.

Thực chất đây là không phải quy định mới, tuy nhiên, ngân hàng dù chỉ với tư cách bên cho vay trong các hợp đồng tín dụng, nhưng đa phần đều đưa ra các yêu cầu kiểm soát chặt chẽ hoạt động và dòng tiền của doanh nghiệp đi vay, nhằm bảo đảm hợp đồng tín dụng có thể thi hành và trả nợ đúng hạn. Việc kiểm soát bằng các điều khoản trong hợp đồng tín dụng, có thể dẫn đến tư cách của ngân hàng được xác định là bên tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc kiểm soát hoặc đầu tư vào bên kia theo Điều 5.1(a) Nghị định số 132/2020.

Do đó, nhận định của Tổng cục Thuế trên cổng thông tin điện tử trả lời giao dịch phát sinh giữa doanh nghiệp và ngân hàng có thể được xác định là giao dịch liên kết, có thể có cơ sở phát sinh từ phạm vi điều chỉnh của Điều 5.1(a) nêu trên.

3. Hạn mức đi vay rơi vào trường hợp giao dịch liên kết
 
Căn cứ quy định nêu trên trường hợp doanh nghiệp đi vay có thể xác định là có giao dịch liên kết (“GDLK”) với ngân hàng là khi: (i) khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn chủ sở hữu; và (ii) chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay.

4. Hậu quả pháp lý khi xác định GDLK

Doanh nghiệp được xác định là có GDLK với ngân hàng sẽ bị khống chế chi phí lãi vay được trừ trong kỳ tính thuế Thu nhập doanh nghiệp, cụ thể:

(i) Chi phí lãi vay xác định là chi phí được trừ đối với phần chi phí lãi vay trong kỳ không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ;

(ii) Đối với phần chi phí không được trừ theo quy định trên được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo. Thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 05 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ; và

(iii) Doanh nghiệp đi vay phải lập Phụ lục giao dịch liên kết theo mẫu Nghị định 132/2020 và kê khai thông tin giao dịch liên kết trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

5. Thực trạng áp dụng

(i) Quan điểm từ cơ quan nhà nước

Ngày 9/11/2020, Ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế tại cuộc họp báo giới thiệu các nội dung mới của Nghị định 132/2020 cho biết Nghị định nhắm đến mục tiêu hạn chế tình trạng vốn mỏng đối với các doanh nghiệp, giúp ổn định kinh tế vĩ mô, theo chủ trương của Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị nêu rõ “Nghiên cứu, xây dựng các quy
định khắc phục tình trạng “vốn mỏng”, chuyển giá”.

Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp khi thành lập có vốn mỏng, phải đi vay ngân hàng. Nếu đầu tư không hiệu quả, dẫn đến phá sản thì rủi ro không chỉ đến với bản thân doanh nghiệp đi vay, mà còn ảnh hưởng đến cả nền kinh tế. “Theo quy định của pháp luật, nếu là công ty TNHH thì họ chỉ chịu trách nhiệm trên giá trị tài sản của họ, vì thế nếu không có quy định về mức vốn tối thiểu của một doanh nghiệp sẽ dẫn đến rủi ro hệ thống, hệ quả sẽ rất lớn. Do đó, Bộ Tài chính đã cân nhắc rất kỹ vấn đề này” - ông Minh nói(1)

(ii) Thực trạng từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp

Trong thực tế hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp rất cần tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng, trong đó, số tiền đi vay lớn hơn nhiều so với vốn chủ sở hữu và tâm lý nhiều doanh nghiệp chưa xác định có mối quan hệ liên kết với Ngân hàng hay không. Việc này dẫn đến doanh nghiệp có thể phải chịu hậu quả khi bị xác định GDLK và bị loại trừ chi phí lãi vay vượt mức cộng với chịu phạt vi phạm vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế khi không kê khai đúng hạn GDLK.

(iii) Kết luận và đề xuất

Theo quan điểm quản lý cơ quan nhà nước như trên, chúng tôi nhận định rằng vấn đề GDLK sẽ cần được đánh giá và xem xét thận trọng. Theo đó, các doanh nghiệp cần chú ý về hạn mức đi vay trước mỗi giao dịch vay vốn và các bước để kê khai thông tin GDLK để tránh phát sinh vi phạm pháp luật về thuế.

*Bài viết độc quyền do các luật sư của Công ty Luật TNHH DIMAC thực hiện. Nếu có vấn đề pháp lý nào cần trao đổi thêm, Qúy doanh nghiệp vui lòng liên hệ với chị Trần Thị Như Quý, Luật sư Sơ cấp Công ty Luật TNHH DIMAC, SĐT: 0905 766 947, Email: quy.tran@dimac-law.com để được hỗ trợ.

(1) https://www.vtca.vn/htvt.NSF/0/Nghi-dinh-132-quy-dinh-ve-quan-ly-thue-doi-voi-giao-dich-lien-ket-Han-che-doanh-nghiep-co-von-qua-mong-4.htm

LS.ThS. Nguyễn Danh Công - LS. Nguyễn Phương Thảo - Trần Thị Như Quý - Nguyễn Thị Mỹ Linh 
Công ty Luật TNHH DIMAC

 


TRỤ SỞ:

     Lô A17, đường Trung tâm, Khu công nghệ cao, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng

    0236 3666117           

    dhpiza@danang.gov.vn

   Điện thoại bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và Trả kết quả cho công dân, tổ chức: 0236.3666100.

©© Bản quyền của Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng

Giấy phép: Số 05/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cấp ngày 02/01/2020

Trưởng Ban biên tập: Trần Văn Tỵ, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng

Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng" hoặc "www.dhpiza.danang.gov.vn" khi trích dẫn lại thông tin từ Website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Đăng nhập