Tìm kiếm
Phải hành động, quyết liệt chuyển đổi số, xây dựng mô hình thành phố chuyển đổi số điển hình tại Đà Nẵng
Người đăng tin: Thời Phước Hồ Ngày đăng tin: 28/02/2023 Lượt xem: 28

Sáng 25-2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc và phiên họp lần thứ 5 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Tổ công tác triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025


Đồng thời định hướng tầm nhìn đến năm 2030 được ban hành theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 06). Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc và phiên họp lần thứ 5 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Tổ công tác triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Ảnh: VGP

Mạnh mẽ, chiến đấu quyết liệt hơn nữa

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính Thủ tướng biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương; sự chỉ đạo quyết liệt của các thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác Đề án 06, nhất là Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và thành phố Đà Nẵng, các tỉnh Bình Phước, Nam Định, Bình Dương cũng như sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh những thành tựu rất cơ bản, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành về chuyển đổi số có nơi, có lúc còn chưa quyết liệt, sâu sát; thể chế, cơ chế, chính sách còn nhiều khoảng trống; chất lượng, hiệu quả trong cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ cao còn hạn chế; chuyển đổi số còn khoảng cách lớn giữa thành thị và nông thôn; an toàn, an ninh mạng chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; nhân lực cho chuyển đổi số còn chưa đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng, chất lượng, phân bổ chưa đồng đều…

Đặc biệt, theo Thủ tướng, quá trình thực hiện quy định bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy (từ ngày 1-1-2023) vẫn còn nhiều bất cập, chưa thật sự tạo thuận lợi cho người dân. Người dân vẫn còn nhiều phản ánh về những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan.

Thủ tướng lưu ý, chuyển đổi số là xu thế, đã và đang được đẩy mạnh trên phạm vi toàn cầu. Việt Nam không nằm ngoài xu thế này, nếu không chuyển đổi số nhanh, chuyển đổi số mạnh, chuyển đổi số toàn diện, hiệu quả thì sẽ bị tụt hậu.

Chuyển đổi số cần sự quyết tâm, quyết liệt, đổi mới sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; cần có hệ thống hành lang pháp lý hoàn chỉnh, thuận lợi, luôn đòi hỏi phải điều chỉnh kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế; cần nguồn lực lớn (cả nhân lực và vật lực) trong khi nguồn lực Nhà nước còn hạn chế.

Nhận thức, hiểu biết, kỹ năng số của đa số người dân còn hạn chế; tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng; vấn đề bảo đảm an toàn, an ninh thông tin ngày càng khó khăn, phức tạp...

Thủ tướng chỉ ra một số bài học kinh nghiệm như: người đứng đầu phải quan tâm vào cuộc, lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát, kiểm tra; kiên quyết, kiên trì, kiên định nhưng phải tích cực đổi mới sáng tạo; đầu tư nguồn lực thỏa đáng, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó trên cơ sở quy hoạch tổng thể, tầm nhìn xa, chiến lược...

Năm 2023, nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia rất nặng nề, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả. Chuyển đổi số là xu hướng, xu thế, phong trào không thể đảo ngược, có tính toàn cầu, toàn dân, toàn xã hội, nên cần được nắm bắt, tận dụng cơ hội để kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.

Chuyển đổi số phải có tư duy đi tắt, đón đầu, đi trước, về trước, phát triển đột phá về công nghệ hiện đại, nhân lực chất lượng cao và quản trị tiên tiến… Đồng thời, cần quán triệt quan điểm dữ liệu là tài nguyên quý của quốc gia cần khai thác, phát huy để trở thành nguồn lực, động lực phát triển trong kỷ nguyên số.

Các bộ, ngành, địa phương phải đổi mới cách làm gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, địa phương, ban chỉ đạo chuyển đổi số các cấp.

Thủ tướng cũng cho rằng, phát triển chính phủ số là động lực chính, then chốt, dẫn dắt việc xây dựng nền kinh tế số, công dân số, xã hội số, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và các nghị quyết chuyên đề của Trung ương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: VGP

“Với xu thế như hiện nay thì chúng ta phải có tư duy thứ nhất là đi tắt, đón đầu và đi nhanh, đi trước để về trước. Thứ hai là phải có giải pháp đột phá về công nghệ hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng cao và quản trị tiên tiến.

Chúng ta cũng phải nâng cao nhận thức về cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, đây là một tài nguyên quý của quốc gia, cần làm sao có giải pháp khai thác tối đa nguồn tài nguyên này, trở thành động lực, nguồn lực để phát triển.

Tinh thần là phải tiến công, nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu. Thực tế, nơi nào mà người đứng đầu mạnh mẽ, quyết liệt chuyển đổi số thì nơi đó đã có chuyển biến tích cực và có sản phẩm cụ thể, “cân, đo, đong, đếm” được. Nơi nào mà lừng khừng, người đứng đầu làng nhàng thì nơi đó không có hiệu quả rõ rệt.

Chuyển đổi số là xu thế, phong trào của cả thế giới, nên mình phải hành động để tận dụng cơ hội và kết hợp sức mạnh của quốc gia, dân tộc với sức mạnh của thời đại thì nước ta mới phát triển tiến lên được trong điều kiện hiện nay. Do vậy, phải mạnh mẽ, chiến đấu quyết liệt hơn nữa trong tổ chức điều hành, mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân và doanh nghiệp”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Đà Nẵng có nhiều sáng kiến, chia sẻ kinh nghiệm cho các địa phương

Theo báo cáo tóm tắt định hướng các nhiệm vụ trọng tâm triển khai chuyển đổi số quốc gia năm 2023 và dự thảo kế hoạch hoạt động năm 2023 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số do Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng trình bày tại hội nghị, chủ đề của Năm dữ liệu số quốc gia - 2023 là “Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới”, trong đó tập trung vào các nội dung chủ yếu, gồm: bảo vệ dữ liệu cá nhân; công bố và xây dựng các cơ sở dữ liệu cấp bộ, ngành và địa phương; mở dữ liệu và an toàn dữ liệu.

Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp để tạo ra sự thay đổi căn bản trong tạo lập, khai thác dữ liệu số từ đó tạo ra giá trị mới, thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam...

Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số trong năm 2023 đặt ra 32 chỉ tiêu quan trọng quốc gia, tương ứng với đó là 32 nhóm nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, mỗi bộ, ngành, tỉnh, thành phố sẽ được giao thêm 1 nội dung đặc thù và một số nội dung đã rõ cách làm nhưng cần tiên phong, làm nhanh, làm ra kết quả trước để tạo cảm hứng, chia sẻ kinh nghiệm cho các bộ, ngành và địa phương khác tham khảo hoặc nội dung mới, chưa rõ cách làm để làm thí điểm, từ đó nhân rộng. Như vậy, mỗi bộ, ngành, địa phương sẽ có 32+1 nhóm nhiệm vụ trong năm 2023.

Trong một số nhiệm vụ trọng tâm do Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện, có việc tổ chức triển khai mô hình thành phố chuyển đổi số tại Hà Nội, Đà Nẵng và Hải Phòng.

Theo đó, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số theo dõi, đôn đốc thành phố Đà Nẵng tổ chức triển khai mô hình thành phố chuyển đổi số điển hình, cụ thể là an hành kế hoạch hành động triển khai mô hình thành phố chuyển đổi số điển hình trong quý 1/2023, tổ chức sơ kết triển khai mô hình trong tháng 9-2023 và tổ chức tổng kết triển khai trong tháng 12-2023.

Bên cạnh đó, thành phố Đà Nẵng thực hiện chuyển đổi số tổng thể và toàn diện trên cả 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số ở tất cả các quận, huyện, phường, xã trên địa bàn.

Về kế hoạch hành động trọng tâm của Năm dữ liệu số quốc gia, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho rằng, trong tháng 4-2023 sẽ được phát động Tháng dữ liệu mở.

Các bộ, ngành, địa phương cần ban hành kế hoạch về dữ liệu mở trong tháng 4 để đến trước tháng 8-2023, tất cả các bộ, ngành, địa phương hoàn thành truy xuất lần đầu về dữ liệu mở theo kế hoạch.

“Các bộ, ngành, địa phương cần tham khảo cách làm về dữ liệu mở của Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi theo dõi thì thấy rằng, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh làm dữ liệu mở rất hiệu quả và có tác dụng”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh.

Tháng 5 sẽ là Tháng cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Trong tháng này, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức tập huấn trực tuyến về phát triển cơ sở dữ liệu chuyên ngành; tất cả các bộ, ngành, địa phương xây dựng, ban hành, cập nhật danh mục các cơ sở dữ liệu thuộc phạm vi quản lý kèm theo lộ trình cụ thể để xây dựng, triển khai các cơ sở dữ liệu trong danh mục.

Trên cơ sở đó, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố phiên bản 1.0 của hệ thống bản đồ dữ liệu quốc gia. Đối với việc này, các bộ, ngành, địa phương có thể tham khảo kết quả và cách làm cơ sở dữ liệu chuyên ngành của một số bộ, ngành, địa phương làm tốt, trong đó có thành phố Đà Nẵng.

Tháng 8 là Tháng nhân lực dữ liệu. Các bộ, ngành địa phương triển khai phổ cập, bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng số qua nền tảng học trực tuyến mở đại trà. Các bộ, ngành, địa phương có thể tham khảo kết quả và cách làm của một số địa phương đã làm tốt trong năm 2022, trong đó có thành phố Đà Nẵng.

Về dịch vụ công trực tuyến, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho rằng, thực tế hiện nay, hơn 70% thủ tục hành chính có thể được đưa lên dịch vụ công trực tuyến toàn trình, chẳng hạn như thành phố Đà Nẵng đã đưa đến 95% thủ tục hành chính lên dịch vụ công trực tuyến toàn trình.

Qua tổng hợp theo dõi, nhiều địa phương có các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến và đã được thực hiện tốt.

Trong đó, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đề nghị các địa phương tham khảo sáng kiến, kinh nghiệm của Đà Nẵng trong việc ban hành văn bản chỉ đạo chuẩn hóa và nâng cao trải nghiệm người dùng để cải tiến chất lượng dịch vụ công trực tuyến; ban hành chính sách giảm thời gian xử lý hồ sơ trực tuyến so với thời gian xử lý thời gian trực tiếp để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhiều hơn; triển khai “trợ lý ảo” hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến...

Theo Báo Đà Nẵng.


TRỤ SỞ:

     Lô A17, đường Trung tâm, Khu công nghệ cao, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng

    0236 3666117           

    dhpiza@danang.gov.vn

   Điện thoại bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và Trả kết quả cho công dân, tổ chức: 0236.3666100.

©© Bản quyền của Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng

Giấy phép: Số 05/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cấp ngày 02/01/2020

Trưởng Ban biên tập: Trần Văn Tỵ, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng

Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng" hoặc "www.dhpiza.danang.gov.vn" khi trích dẫn lại thông tin từ Website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Đăng nhập