Tìm kiếm
Phát triển khu công nghiệp sinh thái là giải pháp thiết yếu để hoàn thành cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050
Người đăng tin: Thủy Thị Ngọc Đoàn Ngày đăng tin: 14/03/2023 Lượt xem: 178

Ngày 09/3/2023 tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) và Cục Kinh tế Liên Ban Thụy Sỹ (SECO) tổ chức họp thường kỳ Ban chỉ đạo Dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái theo hướng tiếp cận từ Chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu” (Dự án).


Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu khai mạc

Cuộc họp do bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì với sự tham gia của Vụ trưởng Vụ quản lý các khu kinh tế, ông Susan Christian - Giám đốc Chương trình KCN sinh thái toàn cầu; bà Lê Thị Thanh Thảo - Trưởng đại diện UNIDO tại Việt Nam; ông Werner Gruber, Trưởng Bộ phận Hợp tác SECO cùng Lãnh đạo các Ban Quản lý khu công nghiệp tại 05 tỉnh thành tham gia Dự án (gồm Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai, Hồ Chí Minh).

Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao những nỗ lực và kết quả mà Dự án đã đạt được trong năm 2022. Về mặt củng cố chính sách, Dự án đã hỗ trợ Bộ kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện các nội dung liên quan đến KCN sinh thái tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 về quản lý các khu công nghiệp và khu kinh tế. Dự án cũng đã phối hợp với Tổng cục Môi trường xây dựng dự thảo hướng dẫn về tái sử dụng chất thải rắn tại các KCN nhằm thực hiện nền kinh tế tuần hoàn theo định hướng của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Ngày 15/02/2023, Vụ Quản lý các Khu kinh tế đã tổ chức hội thảo tham vấn khung chính sách hướng dẫn, khuyến khích tái chế chất thải rắn sinh hoạt tại các KCN sinh thái. Đây là tài liệu quan trọng làm cơ sở để Dự án tiếp tục phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng các Thông tư hướng dẫn về phát triển cộng sinh công nghiệp nói riêng và KCN sinh thái nói chung trong thời gian đến.

Cũng trong năm 2022, Dự án đã phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất Bộ chỉ số về khu công nghiệp sinh thái; gồm các chỉ số đo lường hiệu quả hoạt động của các KCN trên các khía cạnh kinh tế, môi trường, xã hội. Hiện nay, Ban Quản lý Dự án đang tham mưu Bộ Kế hoạch và Đầu tư áp dụng thí điểm Bộ chỉ số tại các KCN của 05 địa phương tham gia Dự án.

Để Dự án tiếp tục đạt hiệu quả trong thời gian còn lại, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị SECO, UNIDO và các bên liên quan tiếp tục hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật, xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin hỗ trợ đánh giá, chứng nhận, theo dõi, giám sát KCN sinh thái; tăng cường các hoạt động đào tạo, tập huấn, truyền thông về KCN sinh thái theo đúng định hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn của Chính phủ; đồng hành cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành, địa phương trong việc đẩy nhanh thực hiện KCN sinh thái; các bộ, ngành cùng chung tay, phối hợp chặt chẽ để hoàn thiện các quy định pháp lý, tiêu chuẩn, quy chuẩn thực hiện cộng sinh công nghiệp và xây dựng mới các KCN sinh thái; tăng cường các hoạt động đào tạo, tập huấn, truyền thông về KCN sinh thái để lan tỏa về ý nghĩa và nâng cao nhận về KCN sinh thái đối với phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng nhấn mạnh, phát triển các khu công nghiệp sinh thái là giải pháp thiết yếu để Việt Nam hoàn thành cả hai mục tiêu tăng trưởng GDP đến năm 2025 và giảm phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050. Thay mặt Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các nhà tài trợ, các bên liên quan để nhân rộng mô hình phát triển KCN sinh thái đến các địa phương trên cả nước trong nhiều năm sắp tới; có hướng ưu tiên tập trung cho giai đoạn này nhằm xây dựng các chính sách phát triển KCN sinh thái để rỡ bỏ rào cản, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn cho đánh giá chứng nhận KCN sinh thái, đưa ra mô hình KCN sinh thái cụ thể, trong đó tập trung sâu về các giải pháp cộng sinh công nghiệp, kinh tế tuần hoàn; tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối tìm kiếm nguồn tài chính xanh và đảm bảo tính bền bững về mặt thể chế cho các cơ quan quản lý như là cung cấp các dịch vụ cho KCN sinh thái…

Ông Werner Gruber - Trưởng Bộ phận Hợp tác SECO phát biểu

Tại cuộc họp, ông Werner Gruber ghi nhận vai trò và sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UNIDO và các bộ, ngành của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các hoạt động của Dự án. Bày tỏ niềm tin vào sự thành công của phát triển KCN sinh thái tại Việt Nam; ông cho rằng Việt Nam đã có những chiến lược, chính sách cho vấn đề này. Tuy nhiên, thách thức sắp tới là đưa các chính sách vào thực tiễn, đặc biệt là các giải pháp về công nghệ, sự cam kết đầu tư xanh của khu vực tư nhân, những tháo gỡ về mặt pháp lý đối với các vấn đề về kỹ thuật như: quản lý nước thải, năng lượng tái tạo, quản lý chất thải rắn, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn... Theo đó, SECO cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ hiệu quả các nguồn lực cho Việt Nam, để triển khai thực hiện các dự án KCN sinh thái và các dự án phát triển bền vững của Việt Nam.

Tại KCN Hòa Khánh Đà Nẵng, trong năm 2022, Dự án đã tập trung rà soát hiện trạng các cơ hội cộng sinh công nghiệp đã đề xuất trong giai đoạn 01. Qua nắm bắt tình hình, nhiều mô hình cộng sinh không còn khả thi do một số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, giảm công suất. Các chuyên gia cũng nhận định, tác động của một đại dịch như COVID-19 đến việc xây dựng các mô hình cộng sinh chưa được dự báo trong các báo cáo nghiên cứu khả thi trước đây.

Kết quả rà soát cũng cho thấy hiện nay tại KCN Hòa Khánh còn 02 cơ hội cộng sinh công nghiệp tiềm năng. Việc mở rộng các mô hình cộng sinh công nghiệp rất hạn chế; các mô hình thí điểm chưa thật sự bền vững. Việc tuần hoàn chất thải vẫn yêu cầu nhiều thủ tục pháp lý, khiến doanh nghiệp chưa có nhiều động lực thực hiện. Do đó, cần có các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp hình thành liên kết cộng sinh.

Toàn cảnh cuộc họp

Bên lề cuộc họp, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã đề nghị Vụ Quản lý các khu kinh tế sớm áp dụng thí điểm bộ chỉ số về khu công nghiệp sinh thái tại 05 địa phương tham gia Dự án để góp ý, xây dựng kế hoạch đáp ứng các tiêu chí trước khi kết thúc Dự án. Ban Chỉ đạo dự án cũng đã đề nghị thành phố Đà Nẵng tiếp tục phối hợp chặt chẽ để hoàn thành các mục tiêu của Dự án trong thời gian đến./.

Phòng QLMT-KHCN&ƯT - Ban Quản lý


TRỤ SỞ:

     Lô A17, đường Trung tâm, Khu công nghệ cao, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng

    0236 3666117           

    dhpiza@danang.gov.vn

   Điện thoại bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và Trả kết quả cho công dân, tổ chức: 0236.3666100.

©© Bản quyền của Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng

Giấy phép: Số 05/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cấp ngày 02/01/2020

Trưởng Ban biên tập: Trần Văn Tỵ, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng

Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng" hoặc "www.dhpiza.danang.gov.vn" khi trích dẫn lại thông tin từ Website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Đăng nhập