Tìm kiếm
Cần xây dựng cơ chế để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo tại các khu công nghệ cao
Người đăng tin: Thủy Thị Ngọc Đoàn Ngày đăng tin: 24/03/2023 Lượt xem: 124

Sáng ngày 23/3, ông Trần Văn Tỵ - Phó Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã chủ trì buổi làm việc với Đoàn nghiên cứu Ban chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước KX04.19/21-25, Trường Đại học kinh tế quốc dân, Đại học Đà Nẵng.


Tại buổi làm việc, Đoàn nghiên cứu đã trao đổi một số nội dung về việc xây dựng và phát triển Khu công nghệ cao Đà Nẵng trong thời gian qua; những quan điểm của các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách về thực tế triển khai công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo.

Theo bà Trần Thị Vân Hoa - Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Trưởng đoàn nghiên cứu, việc làm rõ kết quả và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển các Khu công nghệ cao là cơ sở để xây dựng các giải pháp thực hiện mục tiêu phát triển đất nước trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước có thu nhập cao vào năm 2045.

Toàn cảnh buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Văn Tỵ khẳng định Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã đề ra các mục tiêu phát triển đột phá cho thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh, mang tầm quốc tế; trong đó, xác định nhiệm vụ phát triển chiến lược đối với Khu công nghệ cao Đà Nẵng trở thành khu đô thị sáng tạo - khoa học - công nghệ đạt đẳng cấp quốc tế, có sức cạnh tranh cao. Thời gian qua, Khu công nghệ cao Đà Nẵng đã dần khẳng định vị thế của mình và đã thu hút một số dự án lớn như Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine của Công ty Universal Alloy Asia Pte., Ltd; Nhà máy sản xuất thiết bị y tế ICT VINA II của Công ty TNHH Dentium.

Ban Quản lý cũng đã ban hành Quy chế Hoạt động Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng với 03 giai đoạn tiền ươm tạo, ươm tạo và hậu ươm tạo. Từ khi bắt đầu vận hành Nhà xưởng ươm tạo năm 2020, Ban Quản lý đã tuyển chọn được 07 dự án, ý tưởng để tham gia chương trình ươm tạo; phối hợp chuyên gia tổ chức khoá đào tạo hỗ trợ nâng cao năng lực cho các chủ dự án. Đến năm 2022 đã có 05 dự án tốt nghiệp được Ban Quản lý hỗ trợ tìm kiếm nhà đầu tư tiềm năng góp vốn hoạt động.

Ông Trần Văn Tỵ (đứng) trao đổi tại buổi làm việc

Trao đổi về các khó khăn trong việc phát huy vai trò, chức năng của Khu công nghệ cao Đà Nẵng nói riêng và các khu công nghệ cao trên cả nước nói chung, ông Trần Văn Tỵ cho rằng qua nhiều năm, chính sách ưu đãi quy định trong Luật công nghệ cao vẫn chưa được cụ thể hóa như cơ chế, chính sách hỗ trợ và đầu tư cho ươm tạo doanh nghiệp. Các chính sách, chế độ đãi ngộ để thu hút các chuyên gia, cán bộ có trình độ chuyên môn cao đến làm việc tại khu công nghệ cao, chính sách liên quan đến hoạt động đầu tư mạo hiểm tại khu công nghệ cao không theo kịp nhu cầu phát triển. Theo đó, ông Trần Văn Tỵ cho rằng cần sớm xây dựng cơ chế để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo tại các khu công nghệ cao trên cả nước.

Mặt khác, sự thiếu cụ thể, nhất quán giữa các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành và Luật công nghệ cao đã làm giảm tính minh bạch trong thực thi để thu hút nhà đầu tư. Trong khi dự án đầu tư vào khu công nghệ cao được hưởng ưu đãi theo quy định của Luật Đầu tư, bản thân Luật này không có quy định hướng dẫn các tiêu chí cần đáp ứng để được hưởng ưu đãi, trong đó có điều kiện về sự phù hợp về công nghệ dự án đầu tư. Đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ mới hướng dẫn tiêu chuẩn dự án sản xuất công nghệ cao, chưa quy định các loại hình dự án khác như: nghiên cứu - phát triển, đào tạo, công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, các loại hình dịch vụ và các loại hình đầu tư khác hoạt động tại khu công nghệ cao.

Thay mặt Đoàn nghiên cứu và Ban chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước, bà Trần Thị Vân Hoa cho biết sẽ tổng hợp kết quả khảo sát từ các khu công nghệ cao để hoàn thiện các luận cứ khoa học về việc hoạch định chính sách phát triển công nghệ cao. Qua đó, Ban chủ nhiệm có thể đề xuất các đơn vị xây dựng chính sách cấp Trung ương sớm tháo gỡ một số vướng mắc trong việc phát huy vai trò của các khu công nghệ cao hiện nay./.

Phòng QLMT-KHCN&ƯT - Ban Quản lý


TRỤ SỞ:

     Lô A17, đường Trung tâm, Khu công nghệ cao, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng

    0236 3666117           

    dhpiza@danang.gov.vn

   Điện thoại bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và Trả kết quả cho công dân, tổ chức: 0236.3666100.

©© Bản quyền của Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng

Giấy phép: Số 05/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cấp ngày 02/01/2020

Trưởng Ban biên tập: Trần Văn Tỵ, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng

Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng" hoặc "www.dhpiza.danang.gov.vn" khi trích dẫn lại thông tin từ Website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Đăng nhập