Tìm kiếm
Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng hoàn thành cơ bản nhiệm vụ đề ra tại Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020
Người đăng tin: Thủy Thị Ngọc Đoàn Ngày đăng tin: 06/08/2019 Lượt xem: 525

Ngày 18/7/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố tổ chức đánh giá việc hoàn thành các nhiệm vụ được phân công theo Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020. Qua rà soát, Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã hoàn thành cơ bản nhiệm vụ đề ra.


I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC MỤC TIÊU CỦA CHIẾN LƯỢC

1. Mục tiêu giải quyết cơ bản các vấn đề môi trường khu công nghiệp

Hầu hết các doanh nghiệp hoạt động tại khu công nghệ cao (KCNC) và các khu công nghiệp (KCN) Đà Nẵng thực hiện tốt các giải pháp để giảm thiểu tác động đến môi trường và các nội dung theo các quy định của Luật bảo vệ môi trường, các thông tư, nghị định hướng dẫn về bảo vệ môi trường trong KCN, KCNC. Hầu hết các doanh nghiệp chấp hành đúng chế độ kiểm tra, thanh tra bảo vệ môi trường của các Sở, ban ngành có liên quan và thực hiện theo các yêu cầu chỉ đạo của các cấp thanh tra về việc bảo vệ môi trường trong KCN, KCNC.

Kết quả thanh tra, kiểm tra tại KCNC và các KCN trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2015 - 2018 cũng cho thấy các KCN, KCNC trên địa bàn thành phố về cơ bản chấp hành nghiêm các quy định BVMT, chưa có trường hợp doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

(Quan trắc chất lượng môi trường định kỳ tại KCN Hòa Khánh)

2. Mục tiêu nâng tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ  thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu

Hiện nay, 100% KCN, KCNC trên địa bàn thành phố có trạm xử lý nước thải (XLNT) tập trung xử lý nước thải đạt Quy chuẩn Việt nam QCVN 40:2011 trước khi xả thải ra môi trường, cụ thể:

TT

Trạm XLNT

Công suất thiết kế, cải tạo (m3/ng.đ)

Lượng nước thải tiếp nhận (m3/ng.đ)

Quy chuẩn xả thải

1

Trạm XLNT KCN Hòa Khánh

6.000

6.200 - 6.600

QCVN 40:2011 (Cột B)

2

Trạm XLNT KCN Hòa Khánh mở rộng

1.000

200 -300

QCVN 40:2011 (Cột B)

3

Trạm XLNT KCN Liên Chiểu

2.000

400 - 600

QCVN 40:2011 (Cột B)

4

Trạm XLNT KCN Hòa Cầm

1.000

600

QCVN 40:2011 (Cột A)

5

Trạm XLNT KCN Đà Nẵng

250

310

 

6

KCN DVTS ĐN

-

2.400

QCVN 11:2015 (Cột A)

7

Trạm XLNT KCN Cao Đà Nẵng (GĐ1)

4.500

 

QCVN 40:2011 (Cột A)

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC NỘI DUNG, BIỆN PHÁP

1. Phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường

a) Giải quyết cơ bản các vấn đề môi trường tại các khu công nghiệp

- Trong quá trình hoạt động, Ban Quản lý luôn tuân thủ nguyên tắc chỉ xem xét tiếp nhận các dự án đầu tư thuộc ngành nghề đã được phê duyệt trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN, KCNC; không xem xét tiếp nhận đối với các dự án đầu tư có công nghệ sản xuất lạc hậu, phát sinh nhiều chất ô nhiễm. Đồng thời, các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh có phát sinh chất thải hoặc các tác động khác đến môi trường đều phải thực hiện lập hồ sơ môi trường trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước khi đi vào hoạt động theo quy định tại Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường.

- Ban Quản lý thường xuyên đôn đốc các Công ty hạ tầng KCN phối hợp với doanh nghiệp có các biện pháp xử lý chất thải, khí thải, tiếng ồn phát sinh trong quá trình hoạt động sản xuất đạt tiêu chuẩn trước khi thải vào môi trường. Trong quy hoạch, chủ động bố trí các nhà máy một cách hợp lý nhằm tránh sự ảnh hưởng qua lại của các nhà máy với nhau. Tiến hành trồng cây xanh trên tất cả các tuyến đường của khu công nghiệp, vận động các nhà máy trồng cây xanh trong khuôn viên nhà máy, đảm bảo diện tích cây xanh trong KCN, KCNC đạt 15% tổng diện tích. Để giảm thiểu bụi, Ban Quản lý đã chỉ đạo các Công ty kinh doanh hạ tầng tiến hành dọn vệ sinh quét các tuyến đường thường xuyên để hạn chế bụi.

- Ban Quản lý đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai nhiều biện pháp nhằm đảm bảo việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại các KCN, KCNC, cụ thể:

      + Nước thải: Ban Quản lý đã yêu cầu các doanh nghiệp trong KCN tách riêng hệ thống nước mưa và nước thải; Xây dựng các hố ga nước mưa, nước thải tại vị trí đấu nối ngoài tường rào doanh nghiệp; Cắm biển báo tại vị trí đấu nối; Thường xuyên hàng quý phải báo cáo kế hoạch sản xuất đầu tư, lưu lượng xả thải về Ban Quản lý và Công ty kinh doanh hạ tầng để kiểm tra, theo dõi và lập kế hoạch phương án tiếp nhận, xử lý phù hợp với thực trạng của từng khu vực.

      + Nước mưa chảy tràn: Nước mưa chảy tràn có cuốn theo dầu mỡ và chất rắn lơ lửng. Vì vậy, để hạn chế tác động đến môi trường, các KCN đã xây dựng hệ thống thoát nước mưa tách riêng với nước thải. Ban Quản lý thường xuyên rà soát, yêu cầu các Công ty kinh doanh hạ tầng tổ chức ra quân nạo vét, khơi thông cống rãnh, mương thoát nước.

      + Khí thải, bụi: phần lớn là bụi lơ lửng do hoạt động giao thông, san lấp nền hoặc bụi từ hoạt động xay nghiền xi măng của các trạm trộn. Các cơ sở trong KCN đã thực hiện các biện pháp giảm thiểu khí thải, bụi thải theo hồ sơ môi trường đã được phê duyệt. Để đánh giá hiện trạng môi trường không khí, tiếng ồn trong KCN, hằng năm, Ban Quản lý đã phối hợp với các Công ty kinh doanh hạ tầng lấy mẫu giám sát định kỳ môi trường không khí theo tần suất quy định tại Báo cáo đánh giá tác động môi trường KCN được phê duyệt. Trong giai đoạn 2015 - 2018, các chỉ số về chất lượng môi trường không khí đều nằm trong giới hạn cho phép theo các quy chuẩn quốc gia về khí thải công nghiệp.

      + Mùi hôi: Đối với mùi hôi phát sinh từ quá trình phân hủy các chất thải của các nhà máy, chế biến thủy sản đông lạnh, từ quá trình sấy sản phẩm của các nhà máy sản xuất thức ăn nuôi tôm tại KCN Dịch vụ thủy sản, Ban Quản lý đã chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện xử lý theo quy định: (i) Chất thải rắn sản xuất và rác tại hố tách rác của hệ thống xử lý cục bộ phải được thu gom và xử lý ngay trong ngày, không để lâu sẽ phân hủy gây mùi; (ii) Khu vực nhập liệu phải thường xuyên làm vệ sinh; (iii) Phun phế phẩm khử mùi để giảm thiểu mùi hôi; (iv) Đối với mùi hôi phát sinh từ quá trình sấy sản phẩm thức ăn nuôi tôm.... áp dụng biện pháp hấp phụ với vật liệu hấp phụ như than hoạt tính...

      + Quản lý chất thải rắn: CTR phát sinh tại văn phòng công ty và trong quá trình sản xuất, các doanh nghiệp thực hiện phân loại, bố trí khu vực lưu giữ đúng quy định và hợp đồng với Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Đà Nẵng để thu gom, vận chuyển, xử lý đúng quy định. Đối với phế thải thuỷ sản có thể tận dụng như đầu cá, xương cá, … các nhà máy hợp đồng với các nhà thu mua thu gom ngay trong ngày. Để tránh gây mùi hôi trong thời gian lưu trữ tạm thời chờ đơn vị thu mua đến vận chuyển, các nhà máy phải có biện pháp bảo quản phế thải tránh gây mùi hôi.

      + Quản lý chất thải nguy hại: các doanh nghiệp có phát sinh chất thải nguy hại được yêu cầu đăng ký trực tiếp với Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng để được cấp Sổ đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại; Chất thải nguy hại được doanh nghiệp phân loại, lưu giữ đúng nơi quy định và hợp đồng với đơn vị có chức năng tiến hành thu gom, vận chuyển và xử lý; tỷ lệ thu gom đạt 100%.

      + Tiếng ồn: Nguồn phát sinh tiếng ồn chủ yếu do xe lưu thông trên đường, do các Doanh nghiệp dập, cán thép... Công ty kinh doanh hạ tầng đã cho trồng cây có tán trên tất cả các tuyến đường đồng thời khuyến khích giao khuôn viên mặt tiền cho Doanh nghiệp trồng và chăm sóc cây xanh nhằm giảm thiểu tiếng ồn, tạo môi trường xanh sạch đẹp và mỗi doanh nghiệp khi đầu tư vào khu công nghiệp đều có biện pháp giảm thiểu tiến ồn theo cam kết môi trường hoặc báo cáo đánh giá tác động môi trường được duyệt. Đa số các doanh đều tuân thủ tiêu chuẩn giảm tải nên tiếng ồn và độ rung đều nằm trong giới hạn cho phép.

- Ban Quản lý đã tham mưu UBND thành phố ban hành Quyết định số 117/QĐ-UBND ngày 06/01/2017 về việc ban hành Quy chế phối hợp quản lý môi trường đối với KCN trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; Trên cơ cở đó, Ban Quản lý đã triển khai thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp, qua đó góp phần cải thiện tình hình bảo vệ môi trường tại các KCN, KCNC.

b) Nâng tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu

Trong giai đoạn 2015 - 2019, Ban Quản lý đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, phối hợp với các Công ty kinh doanh hạ tầng KCN thường xuyên kiểm tra, giám sát việc vận hành các trạm XLNT tập trung; thực hiện đầu tư nâng cấp để đảm bảo trạm XLNT tập trung có đủ năng lực thu gom, xử lý toàn bộ nước thải phát sinh trong KCN; lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục đảm bảo yêu cầu kỹ thuật theo hướng dẫn tại Thông tư số 24/2017/TT-BTNMT ngày 01/9/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật quan trắc môi trường.

(Trạm xử lý nước thải tập trung KCN Hòa Khánh mở rộng đi vào hoạt động từ tháng 06/2017)

Hiện nay, 100% các KCN, KCNC đã xây dựng hệ thống thoát nước mưa tách riêng với nước thải và hoàn thành hệ thống thu gom, trạm XLNT nước thải tập trung, đảm bảo trạm XLNT tập trung tại các KCN hoạt động ổn định. Các trạm XLNT tập trung đều có bộ phận quản lý môi trường thực hiện vận hành, giám sát, tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường; có lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục để truyền tín hiệu về cơ quan giám sát trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường. Ngoài ra, các doanh nghiệp phát sinh lượng nước thải lớn đều có hệ thống xử lý nước thải sản xuất sơ bộ trước khi đấu nối vào hệ thống thu gom nước thải KCN; hoàn thành xây dựng hố ga trung gian nước mưa, nước thải ngoài tường rào doanh nghiệp và đặt biển báo.

2. Xây dựng năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

a) Nâng cao nhận thức, hiểu biết, kiến thức về biến đổi khí hậu (BĐKH)

- Hàng năm, Ban Quản lý ban hành các kế hoạch để triển khai công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động tại KCNC và các KCN trên địa bàn thành phố đối với việc bảo vệ môi trường, tác động của biến đổi khí hậu thông qua các hoạt động về Ngày Chủ nhật Xanh - Sạch - Đẹp, Ngày Môi trường thế giới, Tháng hành động vì môi trường, Tuần lễ nạo vét và khơi thông cống rãnh, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn... Ngoài ra, Ban Quản lý cũng đã ban hành tờ rơi, sổ tay hướng dẫn pháp luật BVMT, tuyên truyền về tác động và các giải pháp nhằm hạn chế, ngăn ngừa sự gia tăng biến đổi khí hậu.

b) Thử nghiệm mô hình phát triển cacbon thấp

Từ năm 2016 - tháng 6/2019, Ban Quản lý đã phối hợp với Vụ Quản lý các Khu Kinh tế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện thí điểm Dự án “Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam” tại KCN Hòa Khánh. Qua gần 04 năm thí điểm, Dự án đã triển khai nhiều hoạt động nhằm từng bước chuyển đổi KCN theo mô hình KCN sinh thái, cụ thể:

- Tính đến tháng 6/2019, Dự án đã hỗ trợ đánh giá Hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn tại 29 doanh nghiệp hoạt động tại KCN Hòa Khánh. Các chuyên gia của Dự án đã đề xuất trên 300 giải pháp sản xuất sạch hơn cho các doanh nghiệp; trong đó 228 giải pháp đã được thực hiện; giúp các doanh nghiệp tiết kiệm hơn 14 tỷ đồng/năm; giảm 50.000 m3 nước thải/năm và trên 5.000 tấn CO2/năm.

- Trong năm 2018, Ban Quản lý đã phối hợp với Vụ Quản lý các Khu Kinh tế tổ chức 04 khóa đào tạo về kiểm toán năng lượng và an toàn hóa chất cho các doanh nghiệp tại KCN Hòa Khánh; cấp 137 chứng chỉ cho các cán bộ môi trường, kỹ thuật tại các doanh nghiệp. Nội dung các khóa tập huấn nhằm nâng cao năng lực đánh giá, quản lý công tác bảo vệ môi trường cho cán bộ tại các doanh nghiệp; đồng thời hướng dẫn một số giải pháp khả thi, chi phí thấp để hạn chế phát thải, tối ưu hóa dây chuyền sản xuất.

(Tập huấn xác định tiềm năng và xây dựng mô hình cộng sinh công nghiệp tại Đà Nẵng)

- Tháng 10/2018, Ban Quản lý phối hợp với Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam (VNCPC) khảo sát tiềm năng cộng sinh công nghiệp tại KCN Hòa Khánh. Trên cơ sở kết quả khảo sát, VNCPC đã đề xuất 20 giải pháp cộng sinh công nghiệp cho các doanh nghiệp tại KCN Hòa Khánh; trong đó có 4 giải pháp cộng sinh nguồn nhân lực, 11 giải pháp tuần hoàn chất thải, nguyên vật liệu, 05 giải pháp tái sử dụng năng lượng. Ngày 25/01/2019, Ban Quản lý đã phối hợp với Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức buổi làm việc với các đơn vị liên quan nhằm tham vấn các giải pháp xây dựng mô hình KCN sinh thái tại KCN Hòa Khánh. Ngày 17/4/2019, Ban Quản lý tiếp tục tổ chức Hội nghị phát triển mô hình cộng sinh công nghiệp với sự tham gia của các doanh nghiệp hoạt động tại KCN Hòa Khánh nhằm trao đổi các cơ hội hợp tác hình thành mạng lưới cộng sinh công nghiệp giữa các doanh nghiệp có tiềm năng.

- Tháng 11/2018, Ban Quản lý phối hợp với Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam tổ chức Hội thảo hướng dẫn tài chính xanh cho các doanh nghiệp tại KCN. Hội thảo đã giới thiệu các nguồn tín dụng xanh từ các ngân hàng và nâng cao năng lực lập hồ sơ vay vốn ưu đãi đối với các dự án bảo vệ môi trường.

- Tháng 4/2019, Ban Quản lý tiếp tục phối hợp với Vụ Quản lý các Khu Kinh Nhằm tổ chức chương trình tập huấn về cộng sinh công nghiệp nhằm cung cấp cho các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp thông tin liên quan đến khái niệm, phương thức quy hoạch và triển khai các giải pháp cộng sinh công nghiệp. Đây cũng là chương trình tập huấn đầu tiên về cộng sinh công nghiệp tại Việt Nam.

Văn Minh - Phòng QLMT,KHCN&ƯT - Ban Quản lý


TRỤ SỞ:

     Lô A17, đường Trung tâm, Khu công nghệ cao, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng

    0236 3666117           

    dhpiza@danang.gov.vn

   Điện thoại bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và Trả kết quả cho công dân, tổ chức: 0236.3666100.

©© Bản quyền của Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng

Giấy phép: Số 05/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cấp ngày 02/01/2020

Trưởng Ban biên tập: Trần Văn Tỵ, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng

Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng" hoặc "www.dhpiza.danang.gov.vn" khi trích dẫn lại thông tin từ Website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Đăng nhập