Tìm kiếm
Suy nghĩ về chúng ta, khu CNC với các quốc gia ở xa phía sau trên con đường phát triển, làm sao để không là ảo vọng?
Người đăng tin: Test Test Ngày đăng tin: 29/08/2013 Lượt xem: 20

Các khu công nghệ cao (CNC) của Việt Nam như khu CNC Hoà Lạc, Khu CNC TP HCM đều có cái đích là trở thành một thực thể mà thế giới gọi là các công viên khoa học - công nghệ (KHCN). Trên thế giới có nhiều công viên KHCN đã được xây dựng thành công, tuy nhiên Hsinchu là một thành công chuẩn mực mà các bước đi có vẻ gần gũi với ta nhất. Có thể xây dựng các khu CNC Việt Nam theo mô hình Công viên KHCN Hsinchu không?


Lời BBT: Khu công nghệ cao (KCNC) Đà Nẵng được thành lập ngày 28/10/2010 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Chọn chiến lược thích hợp nhất để phát triển KCNC là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của Ban Quản lý KCNC.
Được sự cho phép của tác giả, Ban Biên tập Website KCNC Đà Nẵng trân trọng gửi tới độc giả chùm bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Trọng đề cập đến chiến lược xây dựng KCNC ở Việt Nam. Các bài viết này đã được đăng trên Website KCNC thành phố Hồ Chí Minh (shtp.hochiminhcity.gov.vn).
Tiến sĩ Nguyễn Trọng đã từng kinh qua các chức vụ: Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh; Chủ tịch Hội Tin học thành phố Hồ Chí Minh các khóa 2 và 3 (1993 - 2004); Tổng biên tập Tạp chí Thế giói Vi tính - PC World VN (11/1992 - 11/2004); Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Công nghệ thông tin (2002 - 2004).
 
Bài 3: Suy nghĩ về chúng ta, khu CNC với các quốc gia ở xa phía sau trên con đường phát triển, làm sao để không là ảo vọng?
 
Các khu công nghệ cao (CNC) của Việt Nam như khu CNC Hoà Lạc, Khu CNC TP HCM đều có cái đích là trở thành một thực thể mà thế giới gọi là các công viên khoa học - công nghệ (có thể với những tên gọi khác nhưng nội dung cơ bản giống nhau). Trên thế giới có nhiều công viên khoa học - công nghệ đã được xây dựng thành công, tuy nhiên Hsinchu là một thành công chuẩn mực mà các bước đi có vẻ gần gũi với ta nhất. Nói chung, các quốc gia còn ở các vị thế quá xa phía sau trên con đường phát triển không thể theo các mô hình công viên khoa học - công nghệ được xây dựng ở các nước tiên tiến như Mỹ, Pháp, Nhật…
 
Vậy thì có thể xây dựng các khu CNC Việt Nam theo mô hình Công viên Khoa học - Công nghệ Hsinchu không?
 
Các vectơ đặc trưng cho khu công nghệ cao

Theo chúng tôi, câu trả lời là: Con đường mà Hsinchu đã qua là một kiểu mẫu, khó có kiểu mẫu khác thích hợp cho các quốc gia còn ở xa phía sau trên con đường phát triển như Việt Nam. Tuy nhiên, theo mẫu này cũng là một sứ mệnh vô cùng khó khăn. Nghĩa là chúng ta nên đi theo 3 giai đoạn như Hsinchu, nhưng thời gian phải dài hơn, chỉ tiêu cần đạt cho từng giai đoạn phải chấp nhận thấp hơn (nhưng không thể quá thấp) và điều đặc biệt cần nghiên cứu là cấu trúc đầu tư thì rất khác Hsinchu.

Ba giai đoạn của Hsinchu là gì?
 
Giai đoạn 1: Hsinchu giành 10 năm (1980 - 1990) xây dựng nên Khu Công nghiệp CNC Hsinchu (The HighTech Industrial Zone Hsinchu). Trong khoảng 10 năm này, Hsinchu đã thu hút được trên 100 doanh nghiệp sản xuất CNC vào khu, kéo theo lực lượng khoảng vài trăm tiến sỹ và vào những năm cuối thời kỳ này có khoảng 100 bằng sáng chế được cấp hàng năm cho các doanh nghiệp này. Chúng ta lấy 3 chỉ số đặc trưng để thiết lập một vectơ (p, q, r) gọi là vectơ đặt trưng với p là số doanh nghiệp công nghiệp CNC trong khu, q là số tiến sỹ làm việc trong các doanh nghiệp CNC đó và r là số bằng sáng chế được cấp hàng năm cho các doanh nghiệp CNC trong khu. Với vectơ đặc trưng đó thì năm 1990, năm cuối của giai đoạn 1, Hsinchu có vectơ đặc trưng là (121, 167, 74).

Giai đoạn 2: Hsinchu giành 10 năm tiếp theo (1991 - 2000) đưa Khu Công nghiệp CNC Hsinchu trở thành khu công nghiệp dựa trên nền tảng khoa học (The Science Based Industrial Zone Hsinchu) với khoảng 300 doanh nghiệp sản xuất CNC trong khu, với trên ngàn tiến sỹ làm việc tại các công ty đó và trên ngàn bằng sáng chế được cấp hàng năm, là nền tảng phát triển các sản phẩm - dịch vụ CNC mới. Véctơ đặc trưng của Hsinchu vào năm 2000, năm cuối giai đoạn 2 là: (289, 1029, 2.366).

Giai đoạn 3: Từ 2001 tới nay, Hsinchu trở thành một Công viên Khoa học (The Science Park) trình độ cao, với trên 400 công ty sản xuất CNC, thu hút trên 2.000 tiến sỹ, số bằng sáng chế được cấp hàng năm đạt trên 2.000, tức véctơ đặc trưng chung cho những năm này có dạng (~400, ~2.000, ~2.000) và chốt lại là Hsinchu tạo ra 10% nền kinh tế Đài Loan. Điều chúng ta cần đặc biệt lưu ý là trên 80% các đơn vị trong Hsinchu là các công ty nội địa Đài Loan.

Việt Nam khó có con đường khác so với con đường mà Hsinchu đã trải qua. Tuy nhiên tái lập một hành trình tương tự hành trình mà Hsinchu đã qua là việc hoàn toàn không dễ dàng. Một khi đã định tái tạo con đường đó thì điều đầu tiên là cần có các chỉ tiêu rõ ràng cho từng giai đoạn, rồi sau đó tìm các giải pháp để đạt các mục tiêu cho từng chặng trên con đường trường chinh đầy thách thức và khó khăn đó.

Có thể chỉ tiêu chính nên là:

Trước hết phải tập trung toàn lực cho giai đoạn xây dựng khu công Nghiệp CNC với vectơ đặc trưng vào cuối giai đoạn này ít nhất phải là (100, 150, 50). Để đạt trình độ này chúng ta cần bao nhiêu năm? Cần đầu tư mọi mặt như thế nào? Nếu cứ làm như hiện nay thì có thể vài chục năm nữa Hoà Lạc hay HCM cũng đều khó đạt được vectơ đặc trưng khiêm tốn ấy để chuyển sang giai đoạn 2.

Khi mà khu CNC nào đó của ta đạt được vectơ đặc trưng cỡ (250, 800, 1.000) một cách bền vững, tức trong nhiều năm liên tục, thì có thể xem khu CNC đó đã xong giai đoạn 2, sự nghiệp xây dựng khu CNC đó đã thành công, một công viên khoa học - công nghệ Việt Nam non trẻ nhưng thực sự có sức sống được ra đời!
 
Cấu trúc bên trong của các khu CNC Việt Nam khác gì với Hsinchu và khác gì với các khu công nghiệp CNC khác của chính chúng ta?

Hsinchu có 80% là các công ty nội địa và 20% là các nhà đầu tư nước ngoài (kể cả về số lượng và tổng vốn đầu tư). Các khu công nghiệp CNC ở Việt Nam chủ yếu là đầu tư nước ngoài. Có lẽ với đầu tư từ nước ngoài thì chúng ta đều hiểu, không bao giờ các khu công nghiệp CNC ấy có thể trở thành những Science Based Industrial Zone và càng không bao giờ chúng trở thành những Science Park! Các vectơ đặc trưng (p, q, r) của chúng sẽ luôn là có p khá lớn, q và r gần bằng zero, chẳng hạn (50, 10, 2), là dạng vectơ đặc trưng của các khu công nghiệp CNC bình thường!

Ở các khu này, p có thể tăng nhanh đáng kể, nhưng q và r thì không bao giờ tăng được. Các khu công nghiệp CNC với vốn đầu tư chủ yếu từ nước ngoài thì các vectơ đặc trưng sẽ mãi mãi ở dạng q và r rất nhỏ, không đáng kể. Còn khu công nghiệp CNC làm hạt nhân cho khu CNC thì phải kiến tạo sao cho p tăng nhanh nhưng phải kéo theo q và r cũng phải tăng nhanh. Đây chính là cái khác biệt căn bản mà các nhà quản lý các khu CNC của ta cần suy nghĩ, tìm ra chiến lược đúng, đảm bảo nguyên tắc: tăng p phải kéo theo tăng q và r. Các nhà quản lý các khu công nghiệp CNC bình thường thì mục tiêu của họ là tăng p. Hsinchu đã làm được việc tăng p nhanh song song với tăng nhanh q và r. Điều này có được vì có một cái gốc rất cơ bản là các nhà đầu tư lớn vào Hsinchu chủ yếu là nội địa cộng với nhiều sức mạnh khác. Rõ ràng chúng ta có quá ít, thậm chí có thể nói là chưa có các nhà đầu tư sản xuất công nghiệp CNC tương đối lớn, làm hạt nhân cho khu công nghiệp CNC trong các khu CNC. Chúng ta đang cố gắng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên dễ thấy rằng bằng cách này không thể chuyển hoá các vectơ đặc trưng theo hướng p tăng kéo theo q và r tăng!
 
Rõ ràng, chúng ta đang vấp phải khó khăn chiến lược. Đó là các vectơ đặc trưng (p, q, r) của các khu công nghiệp CNC của ta luôn có thể tăng p không quá khó khăn nhưng không tăng được q và r, dù rằng các khu công nghiệp CNC đó nằm ngoài hay trong khu CNC. Khi mà các vectơ đặc trưng của các khu công nghiệp CNC trong khu CNC chỉ có thể tăng p mà rất khó tăng q và r thì không bao giờ chúng ta có khu CNC như ta mong muốn! Với Hsinchu thì p tăng cũng là quá trình q và r tăng theo. Chúng ta thì khác, không có được tiến trình tự nhiên đó. Thậm chí, không ít nhà quản lý còn đang gắng tăng q và r mà chẳng cần xem p là nền tảng, thậm chí chẳng cần liên kết với p. Nếu q và r không phát sinh từ trong lòng p, như những hàm đồng biến của p thì đó chỉ có thể là các viện nghiên cứu công nghệ rất mạnh, những thực thể chỉ có ở các quốc gia tiên tiến, điều mà có lẽ chúng ta không thể có trong thế kỷ này.
 
TS. Nguyễn Trọng

TRỤ SỞ:

     Lô A17, đường Trung tâm, Khu công nghệ cao, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng

    0236 3666117           

    dhpiza@danang.gov.vn

   Điện thoại bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và Trả kết quả cho công dân, tổ chức: 0236.3666100.

©© Bản quyền của Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng

Giấy phép: Số 05/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cấp ngày 02/01/2020

Trưởng Ban biên tập: Trần Văn Tỵ, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng

Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng" hoặc "www.dhpiza.danang.gov.vn" khi trích dẫn lại thông tin từ Website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Đăng nhập