Tìm kiếm
Chia sẻ nguồn tin khoa học và công nghệ và Đề án hệ tri thức Việt số hóa
Người đăng tin: Thủy Thị Ngọc Đoàn Ngày đăng tin: 17/10/2019 Lượt xem: 96

Nhằm chia sẻ hiện trạng hoạt động thông tin, thống kê về khoa học và công nghệ (KHCN) phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đồng thời, giới thiệu về Đề án Hệ tri thức Việt số hóa của Chính phủ, Sở KHCN thành phố phối hợp với Cục Thông tin KHCN quốc gia, Bộ KHCN tổ chức Hội thảo “Chia sẻ nguồn tin khoa học và công nghệ và Đề án hệ tri thức Việt số hóa” tại Đà Nẵng (11/10/2019). Tham dự Hội thảo có các đại biểu đến từ các sở ban ngành thành phố phụ trách lĩnh vực quản lý nhà nước liên quan về KHCN, đại diện các trường đại học và các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.


Phó Giám đốc Sở KHCN thành phố Đà Nẵng Vũ Thị Bích Hậu phát biểu tại Hội thảo

“Thông tin KHCN là dữ liệu, dữ kiện, số liệu, tin tức được tạo ra trong các hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo. Hoạt động thông tin KHCN là hoạt động thu thập, xử lý, phân tích, lưu giữ, tìm kiếm, phổ biến, sử dụng, chia sẻ và chuyển giao thông tin KHCN”. Tại Hội thảo, Cục Thông tin KHCN quốc gia đã chia sẻ các quy định của nhà nước về hoạt động thông tin KHCN; trong đó, nêu các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể quy định lĩnh vực này như: Nghị định 11/2014/NĐ-CP ngày 18/02/2014 của Chính phủ về hoạt động thông tin khoa học và công nghệ; Thông tư số 114/2014/TT-BKHCN ngày 11/6/2014 của Bộ trưởng Bộ KHCN quy định thu thập, đăng ký, lưu giữ và công bố thông tin về nhiệm vụ KHCN; Thông tư số 10/2017/TT-BKHCN ngày 28/6/2017 của Bộ trưởng Bộ KHCN quy định xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng, duy trì và phát triển Cơ sở dữ liệu quốc gia về KHCN; Quyết định 1285/QĐ-TTg ngày 01/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nguồn tin KHCN phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 43/2016/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình điều tra thống kê quốc gia; Thông tư số 04/2018/TT-BKHCN ngày 15/5/2018 của Bộ trưởng Bộ KHCN quy định các cuộc điều tra thống kế KHCN ngoài Chương trình điều tra thống kê quốc gia...

Nguồn tin điện tử phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được hệ thống thành cơ sở dữ liệu về nhiệm vụ KHCN, cơ sở dữ liệu về công bố KHCN Việt Nam và cơ sở dữ liệu về Tổ chức KHCN trên trang website: http://sti.vista.gov.vn. Đây là hệ thống cơ sở dữ liệu toàn văn đa ngành và liên ngành, bao quát hầu hết các lĩnh vực KHCN nhằm phục vụ cung cấp nguồn thông tin KHCN nhanh chóng, chính xác, kịp thời, mọi lúc mọi nơi và trên mọi thiết bị đến các tổ chức, cá nhân cần cho công tác nghiên cứu và đào tạo.  Đặc biệt, Cục Thông tin KHCN quốc gia đã đưa dịch vụ “Bạn đọc đặc biệt” tại trang web: http://db.vista.gov.vn để phục vụ ở quy mô toàn quốc và được đông đảo các nhà khoa học, cán bộ giảng dạy đánh giá cao về tính bao quát của cơ sở dữ liệu ở các lĩnh vực tự nhiên, KHCN, Khoa học nông nghiệp và sinh học; Y học – Dược học, Khoa học Xã hội và nhân văn, Kinh tế - Kinh doanh do Cục Thông tin KHCN quốc gia xây dựng và có mua nguồn thông tin dữ liệu truy cập điện tử từ nước ngoài.  Phí đăng ký sử dụng và khai thác dịch vụ như sau: Gói dịch vụ dành cho sinh viên (50.000 đ/năm/sinh viên); Gói dành cho học viên cao học, nghiên cứu sinh (100.000 đ/năm/1 tài khoản); Gói dành cho cán bộ nghiên cứu (300.000 đ/năm/1 tài khoản)  và Gói đặc biệt : Mọi CSDL (500.000 đ/năm/1 tài khoản).

Liên quan về các cuộc điều tra thống kê về KHCN, các điều tra thống kê thuộc Chương trình điều tra thống kê quốc gia và ngoài Chương trình điều tra thống kê quốc gia được thực hiện cụ thể như sau:   

(1) Các cuộc điều tra thuộc chương trình điều tra thống kê quốc gia theo Quyết định số 43/2016/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 về việc ban hành Chương trình điều tra thống kê quốc gia:  

Điều tra tiềm lực KHCN của các tổ chức KHCN (chu kỳ 05 năm, ngày 01/9, tiến hành vào các năm tận cùng là 4 và 9, đối tượng là các tổ chức KHCN gồm tổ chức nghiên cứu và phát triển, trường đại học, học viện, tổ chức dịch vụ KHCN);

Điều tra nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (chu kỳ 02 năm, ngày 01/7, tiến hành các năm có tận cùng là 2,4,6,8, đối tượng là tổ chức nghiên cứu và phát triển, cơ sở giáo dục đại học gồm trường đại học, học viện, cao đẳng; các cơ quan hành chính và quản lý nhà nước về KHCN; các tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam và các Hội nghề nghiệp khác, các doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ)

(2) Các cuộc điều tra được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 04/2018/TT-BKHCN ngày 15/5/2018 của Bộ trưởng Bộ KHCN quy định các cuộc điều tra thống kế KHCN ngoài Chương trình điều tra thống kê quốc gia như:

Điều tra về đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp (chu kỳ 3 năm, ngày 01/3, được tiến hành vào các năm có tận cùng là 3,6 và 9, đối tượng điều tra là các doanh nghiệp chịu sự điều phối chi tiết của Luật Doanh nghiệp);

Điều tra hội nhập quốc tế về KHCN (chu kỳ 05 năm, ngày 01/7, tiến hành vào các năm có tận cùng là 0 và 5, đối tượng điều tra là Sở KHCN các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức KHCN theo luật KHCN ở Trung ương và địa phương, các sở, ban, ngành thuộc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu và phát triển);

Điều tra về nhận thức của công chúng về KHCN (chu kỳ 05 năm, ngày 01/6, tiến hành vào các năm có tận cùng là 3 và 8, đối tượng điều tra là cá nhân là việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập (không thuộc ngành KHCN), cá nhân làm việc trong doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế (phi nông nghiệp) trừ doanh nghiệp KHCN, cá nhân là công nhân, nông dân, người cao tuổi, cán bộ hưu trí, thanh niên, học sinh, sinh viên).

Ngoài ra, Bộ KHCN còn xuất bản các ấn phẩm thông tin KHCN gồm Bản tin KHCN; Bản tin Khởi nghiệp – Đổi mới sáng tạo (bản giấy) là kênh quảng bá, giới thiệu thông tin KHCN; kết nối, chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực KHCN, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; Duy trì Tạp chí khoa học Việt Nam trực tuyến (Vietnam Journals Online) với hơn 44.000 bài viết được cung cấp toàn văn dưới định dạng pdf.

Không dân tộc, quốc gia nào có thể phát triển bền vững nếu không chú trọng tới KHCN, không phát huy hiệu quả của năng lực sáng tạo dựa trên nền tảng tri thức vững chắc của người dân. Để đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong bối cảnh thế giới đang bước vào Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất thiết phải tăng cường nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của mỗi người dân, mỗi tổ chức ở tất cả các ngành, các lĩnh vực[1]. Ngày 18/5/2017, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” nhằm hướng tới xây dựng một nền tảng hạ tầng dữ liệu và tri thức cho người dân Việt Nam nhằm phục vụ cho việc học tập, nâng cao trình độ kiến thức và tạo ra các ứng dụng phục vụ cho cộng đồng và xã hội, góp phần tăng cường sáng tạo nghiên cứu, ứng dụng KHCN, phát huy sức mạnh trí tuệ của toàn dân, thúc đẩy quá trình phát triển đất nước. Đề án tạo mô hình phối hợp hiệu quả giữa Chính phủ với doanh nghiệp, các viện trường, và cộng đồng nhân dân trong việc thu thập và chia sẻ dữ liệu phục vụ cho nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau; kết hợp của các công nghệ hiện đại dựa trên nền tảng AI (trí tuệ nhân tạo) và BigData (Dữ liệu lớn).

Kể từ khi Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho đến nay, đã có một số dự án triển khai đã và đang được triển khai trong năm 2019 như Dự án Bản đồ số Việt Nam (https://vmap.vn); Dự án giáo dục số (https://giaoduc.itrithuc.vn); Dự án tiếng nói tiếng Việt (https://voiceviet.itrithuc.vn); Dự án kết nối nhân đạo (https://nhandao.itrithuc.vn); Dự án dữ liệu du lịch (https://dulich.itrithuc.vn); Dự án văn hóa số (https://vanhoa.itrithuc.vn); Số hóa kho lưu trữ quốc gia (https://luutru.itrithuc.vn)...

Tại địa phương, Sở KHCN là đầu mối triển khai các dự án của Hệ tri thức Việt số hóa, hướng đến việc phát triển, tích hợp hệ thống dữ liệu và thông tin quản lý của địa phương mình trong các lĩnh vực khác nhau (giáo dục, nông nghiệp, y tế, KHCN, văn hóa...) và chia sẻ công khai trên Hệ tri thức Việt số hóa (https://itrithuc.vn) để cộng đồng khai thác, sử dụng.

Giao diện chính của website "Hệ tri thức Việt số hóa" (https://itrithuc.vn)

Thực hiện Đề án này, thành phố Đà Nẵng cũng đã và đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung cho thành phố ở các lĩnh vực. Đà Nẵng xây dựng được hệ thống mạng truyền dẫn dành riêng cho Chính quyền điện tử, kết nối trên 90 cơ quan (Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử Đà Nẵng - egov.danang.gov.vn). Đây là nền tảng tích hợp hàng loạt ứng dụng Chính quyền điện tử cốt lõi của thành phố Đà Nẵng như hệ thống Một cửa điện tử, hệ thống Quản lý văn bản và điều hành, hệ thống Góp ý, hệ thống Quản lý cán bộ - công chức - viên chức, hệ thống Quản lý nhân hộ khẩu, cùng các cơ sở dữ liệu nền tảng như: Cơ sở dữ liệu công dân, Cơ sở dữ liệu cán bộ công chức, Cơ sở dữ liệu doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể, Cơ sở dữ liệu bản đồ GIS... Đà Nẵng cũng đã xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung và Cổng giao tiếp dữ liệu ngành Giáo dục, liên thông tích hợp dữ liệu của các phần mềm quản lý trường học tại các trường trong cả thành phố, tiến đến hình thành cơ sở dữ liệu học sinh (quá trình học tập từ lớp 1 đến 12) và giáo viên toàn thành phố; vận hành hệ thống quản lý xe buýt bằng thiết bị giám sát hành trình, đưa vào sử dụng ứng dụng tra cứu xe buýt Danabus (các tuyến xe trợ giá, nội thị) trên điện thoại di động (Android và iOS) để tạo thuận lợi cho người dân tra cứu, phục vụ việc đi lại [2]....hướng tới xây dựng Chính quyền điện tử và thành phố thông minh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án Hệ tri thức Việt số hoá đã phát biểu (tại Lễ khởi động thực hiện Đề án vào tháng 01/2018 tại Hà Nội): “Nước ta chỉ có thể mạnh một khi khơi dậy được khát vọng và sáng tạo, nâng cao được dân trí, tăng cường được tiềm lực khoa học công nghệ. Mỗi người dù trình độ, hiểu biết ở mức nào cũng đều cần và điều có thể cùng nhau, giúp nhau tìm hiểu, tạo ra và cống hiến tri thức bằng nhiều cách. Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa là một cách hiệu quả trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”. Trước tầm nhìn và ý tưởng của Hệ tri thức Việt số hóa nhằm xây dựng một xã hội tri thức phát triển, hy vọng thành phố Đà Nẵng sẽ có nhiều ý tưởng sáng tạo đề xuất từ các sở ngành, các tổ chức, cá nhân, trường học, doanh nghiệp, trong cộng đồng nhân dân nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Đề án Hệ tri thức Việt số hóa tại địa phương.



TRỤ SỞ:

     Lô A17, đường Trung tâm, Khu công nghệ cao, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng

    0236 3666117           

    dhpiza@danang.gov.vn

   Điện thoại bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và Trả kết quả cho công dân, tổ chức: 0236.3666100.

©© Bản quyền của Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng

Giấy phép: Số 05/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cấp ngày 02/01/2020

Trưởng Ban biên tập: Trần Văn Tỵ, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng

Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng" hoặc "www.dhpiza.danang.gov.vn" khi trích dẫn lại thông tin từ Website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Đăng nhập