Tìm kiếm
Một số kinh nghiệm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ
Người đăng tin: Test Test Ngày đăng tin: 31/08/2015 Lượt xem: 76

Trong khuôn khổ dự án “Tạo ra một văn hóa khởi nghiệp công nghệ cao tại thành phố Đà Nẵng - Điểm thương mại công nghệ cao giữa Việt Nam và Vương quốc Anh”, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Đà Nẵng (Khu CNC) và Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (Viện VN-UK) đã có chuyến công tác đến thành phố Cần Thơ và thành phố Hồ Chí Minh để học tập kinh nghiệm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ


Trong khuôn khổ dự án “Tạo ra một văn hóa khởi nghiệp công nghệ cao tại thành phố Đà Nẵng - Điểm thương mại công nghệ cao giữa Việt Nam và Vương quốc Anh”, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Đà Nẵng (Khu CNC) và Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (Viện VN-UK) đã có chuyến công tác đến thành phố Cần Thơ và thành phố Hồ Chí Minh để học tập kinh nghiệm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ với các tổ chức: Trung tâm Phát triển vườn ươm công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (KVIP), Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp thành phố Hồ Chí Minh (BSSC), Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh (SHTP-IC), Vườn ươm công nghệ thuộc Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh (HCMUT-TBI).

Đoan công tác làm việc với Ban Quản lý Vườn ươm KVIP. Ảnh: Mỹ Dung
 
Qua chuyến công tác và qua nghiên cứu, nhóm nghiên cứu xin tổng hợp tóm tắt một số kinh nghiệm về ươm tạo doanh nghiệp công nghệ như sau:
 
1. Tầm quan trọng của vườn ươm doanh nghiệp công nghệ 
 
Khởi nghiệp và ươm tạo công nghệ là nguồn lực thúc đẩy cải tiến công nghệ, tạo việc làm mới và đem lại tăng trưởng kinh tế của các quốc gia phát triển. Chính sách kinh tế của nhiều quốc gia cũng dịch chuyển từ thúc đẩy kinh doanh sang thúc đẩy khởi nghiệp. Các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore… đặc biệt quan tâm đến việc thúc đẩy sự tăng trưởng của các khu công nghệ và vườn ươm. Sự thành công của các khu công nghệ như Sillicon Valley ở California (Hoa Kỳ) và Khu công nghệ cao ở thành phố Cambridge (Vương quốc Anh) đã trở thành những mô hình kiểu mẫu cho nhiều quốc gia. Nhiều nước cũng hình thành và phát triển mạnh mẽ vườn ươm doanh nghiệp theo mô hình thành công ở Hoa Kỳ và Vương quốc Anh.
 
Theo Giáo sư David Hardman - Giám đốc điều hành Công viên khoa học Birmingham (Anh Quốc), trung tâm ươm tạo là cầu nối giữa mạng lưới những người có ý tưởng, những người có công nghệ đổi mới, những người có kinh nghiệm và những nhà đầu tư. Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao là hoạt động hỗ trợ các tổ chức, cá nhân có ý tưởng khoa học - công nghệ, kết quả nghiên cứu khoa học - công nghệ thực hiện việc hoàn thiện công nghệ, chế thử sản phẩm và thành lập doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao (theo SHTP-IC). 
 
Tại Việt Nam, vai trò của khởi nghiệp và ươm tạo đã bắt đầu được chú trọng. Nhà nước đã quan tâm thúc đẩy các chương trình, hoạt động cụ thể của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND các tỉnh và thành phố, các hiệp hội doanh nghiệp... Cùng với nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành, các doanh nghiệp cũng đã đóng vai trò tích cực vào việc thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng. Các chương trình, hoạt động đã bước đầu thu hút giới trẻ vào hoạt động khởi nghiệp và ươm tạo.
 
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, hoạt động khởi nghiệp và ươm tạo ở Việt Nam đang ở giai đoạn đầu. Mặc dù đã có hàng trăm nghìn doanh nghiệp ra đời, ba khu công nghệ cao ở Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng đã ra đời và hoạt động nhưng mức độ hiệu quả và sự đóng góp cho cải tiến, đổi mới công nghệ của đất nước còn hạn chế. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là yếu tố nào ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp mới, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ cao. Yếu tố nào tác động đến hiệu quả của khu công nghệ cao và làm thế nào để hình thành các vườn ươm doanh nhân thành công.  
 
Định hướng phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng đã xác định vai trò then chốt của khoa học và công nghệ đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, việc phát triển nội lực đổi mới sáng tạo - hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ ở Đà Nẵng còn nhiều bất cập, chỉ mới có vài công ty khởi nghiệp nhỏ, hầu hết trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chưa có sự hiện diện của những quỹ đầu tư mạo hiểm hay nhà đầu tư thiên thần lớn, văn hóa khởi nghiệp chưa được khơi dậy. 
 
Chính vì vậy, việc hình thành một trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ là cần thiết. Tuy nhiên, xây dựng mô hình hoạt động của trung tâm này cần thời gian nghiên cứu kỹ để phù hợp với thực trạng và hoàn cảnh riêng biệt của Đà Nẵng. 
 
2. Yếu tố quan trọng đối với sự thành công của một vườn ươm
 
Qua chuyến công tác, Ban Quản lý Khu CNC Đà Nẵng và Viện VN-UK đã được lắng nghe những chia sẻ, trao đổi cởi mở từ phía các đơn vị ươm tạo về các kinh nghiệm ươm tạo ở Việt Nam và thế giới. Trong đó, các yếu tố quan trọng đối với sự thành công của vườn ươm phải kể đến là:
 
2.1. Khảo sát thị trường: Theo Giáo sư Kim Hee Sup - Chuyên gia cao cấp của  KVIP, trước khi thành lập vườn ươm, việc xác định thế mạnh và ngành công nghiệp chiến lược của khu vực rất quan trọng và là điều kiện tiên quyết để quyết định lĩnh vực ưu tiên ươm tạo và mang lại thành công của vườn ươm. Dựa trên thế mạnh đó, mới có thể tìm kiếm nguồn ý tưởng đầu vào cho vườn ươm, tận dụng nguồn lực của địa phương và những chuyên gia đủ năng lực, hiểu biết và có kinh nghiệm để tư vấn cho các doanh nghiệp.
 
Nhóm chuyên gia của KVIP đã tiến hành nghiên cứu thị trường trong vòng 3 năm để xác định ra ba ngành công nghiệp chiến lược của khu vực này: chế biến nông sản; chế biến thủy sản; cơ khí chế tạo phục vụ chế biến nông, thủy sản. Khu vực đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa của cả nước, khu vực chính cung cấp các loại nông thủy sản cho thị trường trong nước và xuất khẩu, đặc biệt là hai mặt hàng xuất khẩu cá tra và tôm, và Cần Thơ được xác định là đầu tàu cho sự phát triển của đồng bằng sông Cửu Long.
 
2.2. Nguồn nhân lực vườn ươm: Theo chia sẻ của SHTP-IC, đội ngũ vận hành vườn ươm không cần số lượng lớn. Có những vườn ươm chỉ có 5-7 người, trong đó phải có người am hiểu về pháp lý vì vấn đề quyền sở hữu trí tuệ đặc biệt quan trọng khi ươm tạo một ý tưởng mới. Có thể thuê và sử dụng chuyên gia bên ngoài tùy theo dự án cần hỗ trợ về lĩnh vực gì và trả lương theo dự án. Đội ngũ lãnh đạo vườn ươm phải có kinh nghiệm về kinh doanh và có mạng lưới quan hệ rộng để tư vấn trực tiếp hoặc tìm kiếm, kết nối chuyên gia tư vấn cho doanh nghiệp.
Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với Ban Quản lý vườn ươm HCMUT-TBI. Ảnh: Mỹ Dung
 
Đội ngũ Ban Lãnh đạo HCMUT-TBI đều là những người có kinh nghiệm trong ươm tạo và kinh doanh. Giám đốc Vườn ươm là PGS.TS. Mai Thanh Phong, Tiến sĩ Kỹ thuật Hóa học, Đại học Otto-von-Guericke Magdeburg (CHLB Đức) với lĩnh vực chuyên môn: Kỹ sư hóa, năng lượng tái tạo, kỹ thuật màng mỏng, vật liệu nano. Hai Phó Giám đốc Vườn ươm là (1) TS. Jean Pierre Tô, Tiến sĩ ngành doanh nhân của Đại học Bordeaux IV (Pháp), lĩnh vực chuyên môn: thành lập doanh nghiệp và quản lý dự án sáng tạo và (2) TS. Nguyễn Ngọc Dũng, Tiến sĩ Khoa học Năng lượng, Đại học Kyoto (Nhật Bản), lĩnh vực chuyên môn: hệ thống chuyển đổi năng lượng, năng lượng tái tạo...
 
2.3. Mạng lưới liên kết của vườn ươm: Cần phải được xây dựng để vườn ươm hoạt động hiệu quả. Các doanh nghiệp, cá nhân tìm đến với vườn ươm không chỉ thuê văn phòng, không gian làm việc mà chủ yếu cần những hỗ trợ, tư vấn về pháp lý, kinh doanh, thị trường… liên quan đến các vấn đề của doanh nghiệp. Vườn ươm cần liên kết với các trường, viện; các doanh nghiệp lớn, các quỹ đầu tư, các vườn ươm khác, các tổ chức hỗ trợ, các cơ quan nhà nước, các đối tác nước ngoài…
 
BSSC trực thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP HCM, vì vậy dễ dàng huy động được ý tưởng đầu vào từ các đối tượng là thanh niên tại các tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên ở các trường đại học trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng nhận được sự hỗ trợ về công tác truyền thông từ Báo Tuổi trẻ, Đài truyền hình TP HCM..., các nhà tư vấn từ Hội doanh nhân trẻ thành phố (đơn vị trực thuộc Thành đoàn TP HCM). BSSC được UBND TP HCM giao quản lý Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp với khoảng 30 tỷ đồng.
Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với Ban Quản lý BSSC. Ảnh: BSSC
 
2.4. Nguồn thu để duy trì hoạt động vườn ươm: Đây là vấn đề cần được xem xét kỹ lưỡng. Từ kinh nghiệm thực tế ở Anh Quốc, các vườn ươm mất thời gian 7-12 năm để có thể tự duy trì hoạt động. Tùy theo mô hình hoạt động của vườn ươm, nguồn thu có thể đến từ nhiều nguồn: Ngân sách cấp; cho thuê văn phòng; cho thuê máy móc, thiết bị; thu phí dịch vụ hỗ trợ, tư vấn (trường hợp SHTP-IC, BSSC, KVIP); tổ chức sự kiện (trường hợp BSSC), … Theo TS Dương Minh Tâm, Phó Trưởng ban, Ban Quản lý Khu CNC TP HCM, bản thân vườn ươm phải vận hành như một doanh nghiệp kiểu mẫu, từ đó tôn vinh tinh thần doanh nhân của doanh nghiệp. 
 
2.5. Xây dựng cơ chế, chính sách của vườn ươm: Để vườn ươm hoạt động hiệu quả, cần phải xây dựng cơ chế, chính sách tuyển chọn đầu vào hiệu quả, cơ chế ưu đãi dành cho doanh nghiệp trong vườn ươm, chính sách hậu tốt nghiệp (hỗ trợ ngay cả khi doanh nghiệp đã tốt nghiệp). 
 
2.6. Cơ sở vật chất của vườn ươm mới chỉ là phần cứng, để vườn ươm hoạt động hiệu quả, cần thiết phải thúc đẩy mạnh mẽ “hệ sinh thái khởi nghiệp” tại địa phương (còn gọi là phần mềm) nhằm khuyến khích tinh thần khởi nghiệp để tạo nguồn đầu vào chất lượng cho vườn ươm.
Phối cảnh quy hoạch Trung tâm ươm tạo KVIP. Ảnh: KVIP
 
2.7. Vị trí địa lý, quy hoạch của vườn ươm: Một trong những yếu tố quan trọng khác tác động đến sự thành công của một vườn ươm là vị trí. Các vườn ươm nên được xây dựng và phát triển ở một vị trí hợp lý, hấp dẫn và thuận tiện cho doanh nghiệp.
 
SHTP-IC thu hút các cá nhân và doanh nghiệp đầu vào một phần là thông qua thương hiệu của Khu CNC TP HCM và lợi thế khai thác thị trường của các doanh nghiệp đầu tư trong Khu CNC TP HCM. KVIP nằm trong Khu công nghiệp Trà Nóc II (Cần Thơ) có nhiều điều kiện thuận lợi vì đặt cạnh các công ty chế biến thủy hải sản, là lĩnh vực ươm tạo ưu tiên của Vườn ươm này.
 
Những kinh nghiệm quý báu tiếp thu được từ chuyến công tác lần này sẽ giúp cho Ban Quản lý Khu CNC Đà Nẵng có những định hướng và cách làm tốt hơn trong việc xây dựng mô hình Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao trong thời gian đến.
 
Như Quý và Thiên Hương
(Ban Quản lý Khu công nghệ cao Đà Nẵng)

TRỤ SỞ:

     Lô A17, đường Trung tâm, Khu công nghệ cao, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng

    0236 3666117           

    dhpiza@danang.gov.vn

   Điện thoại bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và Trả kết quả cho công dân, tổ chức: 0236.3666100.

©© Bản quyền của Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng

Giấy phép: Số 05/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cấp ngày 02/01/2020

Trưởng Ban biên tập: Trần Văn Tỵ, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng

Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng" hoặc "www.dhpiza.danang.gov.vn" khi trích dẫn lại thông tin từ Website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Đăng nhập