Tìm kiếm
Từng bước cải thiện, nâng cao đời sống người lao động
Người đăng tin: Thời Phước Hồ Ngày đăng tin: 26/11/2019 Lượt xem: 155

Ngày 24-11, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức Diễn đàn Đối thoại chính sách với nữ công nhân lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn thành phố. Bà Đỗ Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, ông Trần Văn Thuật, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, và Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh đồng chủ trì diễn đàn; cùng sự tham gia của hơn 100 nữ công nhân trên địa bàn thành phố.


Diễn đàn Đối thoại chính sách với nữ công nhân lao động đang làm việc tại các KCN, KCX trên địa bàn thành phố

Đời sống của lao động nữ còn nhiều khó khăn

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp ngày càng tăng. Theo số liệu thống kê, tính đến hết năm 2018, cả nước có 326 khu công nghiệp (KCN) được thành lập với trên 3 triệu lao động, trong đó tỷ lệ lao động nữ chiếm 63%; một số ngành như da giày, dệt may, chế biến thủy sản có doanh nghiệp tỉ lệ nữ chiếm tới 80% đến 90%.

Tại Đà Nẵng, tổng số lao động làm việc tại các KCN hơn 78 ngàn người, tập trung chủ yếu ở các KCN: Hòa Khánh (40.080 lao động), Hòa Cầm (11.194 lao động), Đà Nẵng (10.130 lao động); trong đó, lao động nữ chiếm tỷ lệ trên 65%. Các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động tập trung ở các ngành may mặc, điện tử, sản xuất đồ chơi trẻ em...

Nhằm từng bước cải thiện, nâng cao đời sống người lao động, trong đó có lao động nữ, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến đời sống của công nhân lao động tại KCN, khu chế xuất (KCX). Tuy nhiên, thực tế đời sống của đại bộ phận người lao động còn nhiều khó khăn, một số vấn đề bức xúc, cấp bách của công nhân lao động chưa được giải quyết kịp thời. Cụ thể như, tiền lương của người lao động trong các doanh nghiệp còn thấp, mức lương tối thiểu chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động. Theo kết quả khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn năm 2017, tiền lương cơ bản trung bình (làm việc đủ giờ theo quy định) của người lao động là 4.480.000 đồng/tháng; thu nhập trung bình (không kể tăng ca) là 5.453.000 đồng/tháng. Người lao động phải chi tiêu khá nhiều cho các nhu cầu thuê nhà ở, đi lại, chăm sóc y tế... Chỉ có khoảng 16% công nhân lao động cho biết có khả năng tích lũy từ tiền lương, thu nhập.

Hiện nay, có khoảng 55% công nhân trong các KCN, KCX tập trung phải thuê nhà trọ, chủ yếu ở theo các hình thức như ở cùng gia đình hoặc nhà riêng, ở nhà trọ của tư nhân hoặc ở nhà thuê của doanh nghiệp. Do thu nhập thấp nên đa số thuê nhà giá rẻ, hoặc thuê chung, ở ghép, chất lượng nhà cho thuê kém, vệ sinh môi trường, điện, nước không đảm bảo an toàn; người lao động không có điều kiện nghỉ ngơi thoải mái để tái tạo sức lao động sau cả ngày làm việc nặng nhọc, mệt mỏi. Với nhà ở thuê của doanh nghiệp, yêu cầu về giờ giấc, nội quy, quy định chặt chẽ về đi lại... do vậy không thực sự thu hút người lao động đến sinh sống. Bên cạnh đó, đa số các doanh nghiệp chỉ chú trọng tập trung cho sản xuất, ít quan tâm đến nhu cầu sinh hoạt, giải trí cho người lao động, việc cải thiện điều kiện việc làm, chăm sóc sức khoẻ và tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho công nhân chưa được đầu tư nhiều.

Hơn 100 nữ công nhân làm việc tại các KCN, KCX trên địa bàn thành phố tham gia diễn đàn

Một trong những vấn đề khó khăn, trăn trở của công nhân lao động, đặc biệt là lao động nữ là việc chăm sóc, gửi trẻ, nhất là trẻ dưới 36 tháng tuổi. Tham gia ý kiến tại diễn đàn, chị Nguyễn Thị Thêu, công nhân Công ty VN Kanzaki, khu công nghiệp Hòa Khánh, chia sẻ, đối với bản thân chị và nhiều nữ công nhân, sau khi lập gia đình, có con thì khoảng thời gian sau 6 tháng nghỉ sinh là khó khăn nhất, khi không có ông bà, người thân giúp đỡ trong việc trông giữ con. Theo chị Thêu, các trường mẫu giáo công lập chỉ nhận trẻ từ 18 tháng trở lên và nghỉ ngày thứ bảy hằng tuần, trong khi công nhân phải tăng ca, làm thêm, chỉ nghỉ ngày Chủ nhật. Với đồng lương ít ỏi, công nhân chỉ có thể gửi con từ 6 tháng đến 18 tháng tuổi vào các nhóm trẻ độc lập tư thục, trong đó phần lớn là những nhóm trẻ tự phát của những người nội trợ, hưu trí, chăm sóc trẻ chỉ dựa vào kinh nghiệm của bản thân. Đây là nỗi lo của công nhân lao động khi có con nhỏ. Bên cạnh đó là nỗi lo về học phí, về chất lượng khi trẻ dưới 36 tháng phải nộp học phí cao hơn so với trẻ 4 đến 6 tuổi, số lượng giáo viên, người chăm sóc trẻ quá ít so với nhu cầu. Ngoài ra, việc tăng ca của công nhân cũng ảnh hưởng đến việc đưa đón trẻ đúng giờ, ảnh hưởng đến thời gian chăm sóc con cái của bố mẹ.

Lao động nữ sẽ được chăm lo đời sống vật chất, tinh thần ngày càng tốt hơn

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo cho biết, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện giải quyết các vấn đề bất cập liên quan đến đời sống của công nhân lao động tại KCN, KCX. Bộ luật Lao động hiện hành dành một chương về những quy định riêng đối với lao động nữ, quy định khá cụ thể nhằm bảo đảm quyền làm việc bình đẳng của lao động nữ. Chính phủ đã ban hành Nghị định 85/2015/NĐ-CP trong đó quy định xác định rõ doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, ưu đãi cho doanh nghiệp có nhiều lao động nữ; phương án và kế hoạch để giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo; khuyến khích người sử dụng lao động lắp đặt phòng vắt, trữ sữa cho lao động nữ có con nhỏ để họ vừa có điều kiện nuôi con bằng sữa mẹ, vừa đảm bảo giờ làm việc.

Đồng thời, ban hành nhiều chính sách, thu hút nguồn vốn xã hội hóa đầu tư nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp. Giai đoạn 2010-2015, các địa phương đã đăng ký 110 dự án nhà ở cho công nhân; 27 dự án được khởi công, 9 dự án hoàn thành. Một số doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân lao động hoặc thuê sau đó tổ chức cho công nhân lao dộng vào ở. Tổng Liên đoàn lao động đã đề xuất và được Chính phủ phê duyệt đề án Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các KCN, KCX, bước đầu triển khai thực hiện. Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Chỉ thị 09-CT/TTg về việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non ở các KCN, KCX, một lần nữa khẳng định quyết tâm của Nhà nước trong việc giải quyết những vấn đề bức xúc tại KCN, KCX trong đó có vấn đề nhà trẻ, mẫu giáo.

Chia sẻ với ý kiến của nữ công nhân tại diễn đàn cho rằng mức lương tối thiểu hiện nay không đủ chi trả cho đời sống thực tế của người lao động, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Trần Văn Thuật cho biết, năm 2020, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã quyết định nâng mức lương tối thiểu lên 5,5%; đồng thời, Tổng liên đoàn lao động đang đề xuất Chính phủ xây dựng khung mức sống tối thiểu, trong đó quy định đầy đủ những điều kiện cuộc sống cơ bản nhất cần được đảm bảo của người lao động. Đây là những giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm từng bước cải thiện, nâng cao đời sống công nhân lao động.

Khẳng định thành phố luôn quan tâm, có các chính sách kêu gọi, hỗ trợ đầu tư xây dựng trường lớp, nhóm trẻ trong các KCN, KCX, cũng như trên địa bàn tập trung đông công nhân lao động, Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh cho biết, hiện nay KCN Hòa Khánh có hai cơ sở giáo dục mầm non, gồm: dự án trường mầm non do Công ty TNHH MTV Xây dựng Bạch Hải chủ đầu tư, với quy mô 18 lớp học và 5 lớp năng khiếu, diện tích mỗi lớp trên 60m, diện tích đất sử dụng 1.600 m2, nhận trông giữ trẻ từ 12 tháng tuổi đến 6 tuổi, hiện có khoảng 400 cháu đang theo học; Trung tâm giáo dục những năm đầu đời cho trẻ em theo mô hình OneSky, Đà Nẵng, do Tổ chức OneSky, Hoa Kỳ tài trợ, đi vào hoạt động từ tháng 9-2017, dành cho nhóm đối tượng là con của công nhân khu công nghiệp Hòa Khánh. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố, việc hình thành và đưa vào sử dụng hai cơ sở giáo dục mầm non cho con em công nhân tại KCN Hòa Khánh bước đầu đã mang tại hiệu quả nhất định, giúp công nhân tại KCN thuận lợi trong việc gửi con, yên tâm sản xuất.

Các nữ công nhân chia sẻ về nhiều vấn đề bất cập, khó khăn trong cuộc sống tại diễn đàn

Trả lời công hỏi của nữ công nhân tại diễn đàn về vấn đề nhà ở xã hội cho công nhân lao động, Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh thông tin, dự án “Khu chung cư Nhà ở xã hội KCN Hòa Khánh” tại đường số 4, Khu công nghiệp Hòa Khánh, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, do Công ty cổ phần Địa ốc xanh Sài Gòn Thuận Phước làm chủ đầu tư, có quy mô gồm 8 khối nhà chung cư từ 12 đến 15 tầng, với gần 2.000 căn hộ có diện tích từ 29m2 đến 66m2. Dự án gồm nhiều tiện ích như khu thể thao, siêu thị mini, trường mầm non... được phân kỳ thành 3 giai đoạn: giai đoạn 1 gồm 550 căn hộ (khối nhà E1, E2 cao 12 tầng), giai đoạn 2 gồm 448 căn hộ (khối nhà B1, B1A cao 15 tầng), giai đoạn 3 (các khối nhà còn lại) gồm 515 căn hộ. Hiện nay, Công ty cổ phần Địa ốc xanh Sài Gòn Thuận Phước đã tổ chức bán, cho thuê nhà ở xã hội giai đoạn 1 cho công nhân, và đang đẩy nhanh công tác hoàn thiện để bàn giao nhà; đồng thời tiếp tục triển khai xây dựng các giai đoạn còn lại.

Bên cạnh đó, tại KCN Hòa Cầm có dự án Nhà ở công nhân tại khu đất hỗn hợp khu vực giáp ranh đường số 3, với tổng diện tích khu đất 38.682m2, quy mô bao gồm 8 khối nhà ở 5 tầng, siêu thị mini, nhà trẻ, nhà xe và hạ tầng kỹ thuật, giải quyết chỗ ở cho khoảng 1.680 công nhân. Tổng mức kinh phí đầu tư dự kiến khoảng 198 tỷ đồng.

Theo Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh, trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư các đự án đã được thành phố quy hoạch, đáp ứng nhu cầu ổn định cuộc sống cho công nhân lao động tại các KCN trên địa bàn thành phố. Đồng thời tiếp tục ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm chăm lo, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nữ công nhân lao động trên địa bàn các khu công nghiệp nói riêng, công nhân lao động nói chung.

Theo "Cổng Thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng" (NGÔ HUYỀN)


TRỤ SỞ:

     Lô A17, đường Trung tâm, Khu công nghệ cao, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng

    0236 3666117           

    dhpiza@danang.gov.vn

   Điện thoại bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và Trả kết quả cho công dân, tổ chức: 0236.3666100.

©© Bản quyền của Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng

Giấy phép: Số 05/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cấp ngày 02/01/2020

Trưởng Ban biên tập: Trần Văn Tỵ, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng

Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng" hoặc "www.dhpiza.danang.gov.vn" khi trích dẫn lại thông tin từ Website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Đăng nhập