Tìm kiếm
Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trên thế kiềng ba chân
Người đăng tin: Trung tâm Dịch vụ tổng hợp Ngày đăng tin: 11/05/2020 Lượt xem: 44

"Hỗ trợ startup cũng chính là cách các doanh nghiệp lớn phục vụ nhu cầu phát triển của chính mình" - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc.


Vai trò của doanh nghiệp lớn và tập đoàn trong thúc đẩy khởi nghiệp là rất quan trọng vì không ai đi một mình mà thành công. Do đó, việc xây dựng chuỗi cung ứng có vai trò quyết định đến sự thành bại của doanh nghiệp khởi nghiệp với thế “kiềng ba chân”: Nhà khởi nghiệp – Nhà doanh nghiệp (doanh nghiệp lớn/tập đoàn) - Nhà nước.

Doanh nghiệp nhỏ mở đường sáng tạo

Theo các chuyên gia kinh tế, phần lớn doanh nghiệp khởi nghiệp phải huy động vốn từ người thân và gia đình, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp này đều không có được bệ đỡ vững chắc về tài chính. Trong khi đó, đã có một số doanh nghiệp lớn đi tiên phong trong việc đỡ đầu, hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Đây được xem là một kênh đầu tư mới cho cộng đồng khởi nghiệp có thể huy động, gọi vốn bên cạnh các nguồn truyền thống như trước đây.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Vũ Tiến Lộc - nhận định, các doanh nghiệp lớn thường có bộ máy hoạt động hoàn chỉnh và chuyên nghiệp… Điều này đôi khi khiến các doanh nghiệp ít thoát ra khỏi khuôn khổ sẵn có đó. Nếu doanh nghiệp lớn cứ “đóng khung” như vậy, không liên kết với các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và doanh nghiệp startup thì các doanh nghiệp nhỏ này sẽ khó sáng tạo phát triển.

Ông Lộc cho rằng, các sáng kiến mới đa số được hình thành từ chính trí tuệ của các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp startup. Các doanh nghiệp lớn là người làm thương mại, làm lớn lên các ý tưởng đó. Như vậy, các startup là nguồn sáng tạo năng lượng cho các doanh nghiệp lớn.

Để hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp cần có 8 yếu tố như: Thị trường, nguồn nhân lực, nguồn vốn và tài chính, hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp, khung pháp lý và cơ sở hạ tầng, giáo dục và đào tạo, các trường đại học và học viện, văn hóa quốc gia.

Thống kê năm 2018 và nửa đầu năm 2019, hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp của Việt Nam chào đón 38 thương vụ lớn, trong đó có đến 27 thương vụ đầu tư vào startup. Việt Nam đang nổi lên là thị trường sáng về đầu tư cho tư nhân, cho khởi nghiệp. Đây là tín hiệu tích cực cho đầu tư vào đổi mới sáng tạo và công nghệ của Việt Nam. Do đó, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, các doanh nghiệp lớn phải tạo ra được hệ sinh thái với các doanh nghiệp nhỏ, các startup công nghệ, khi đó mới có sức mạnh công nghệ mới, sáng tạo và phát triển năng động.

“Kiềng ba chân" của khởi nghiệp sáng tạo

Đại diện Tập đoàn Apec Group - ông Lục Thanh Tùng - cho biết, các quỹ đầu tư khởi nghiệp đã tạo ra nhiều giá trị đóng góp cho cộng đồng. Quỹ đầu tư của Apec sẽ giúp các bạn trẻ khởi nghiệp tìm ra được định hướng, lợi thế để phát triển.

Ông Trần Xuân Đích – Phó Cục trưởng Cục phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ - nói rằng, đã gọi là hệ sinh thái thì mỗi thành tố đều quan trọng. Nhưng quan trọng nhất là làm thế nào để phát triển và liên kết chặt các yếu tố với nhau, để tạo ra hệ sinh thái hoàn chỉnh và mở. Do đó, vai trò của các doanh nghiệp lớn đối với doanh nghiệp khởi nghiệp rất quan trọng.

Ông Trần Chí Dũng - chuyên gia về giám sát khởi nghiệp Thuỵ Sĩ - cho hay, nhu cầu lớn nhất của khởi nghiệp sáng tạo là kết nối mạng lưới để sử dụng các giải pháp đưa ra. Do đó, để các sản phẩm đổi mới sáng tạo có thể tiến chân vào thị trường, một số doanh nghiệp lớn cần có vai trò như các nhà đầu tư thiên thần. Bởi nếu tham gia vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ngoài nguồn vốn, những doanh nghiệp có thể hỗ trợ cả nguồn lực phía sau.

Cũng theo ông Dũng, thị trường luôn có sự biến động khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa phải ứng phó, thích nghi. Từ những biến động đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể nhìn thấy ở những doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo những ý tưởng mới mẻ. Trong khi đó, doanh nghiệp lớn lại mong muốn gia tăng năng lực cạnh tranh vốn có và khai thác hệ sinh thái vốn đang có để tích hợp vào cùng cộng sinh và hợp tác với nhau.

Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân Gia đình Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái - ông Phạm Đình Đoàn - cho rằng, hiện nay, chúng ta có 700.000 doanh nghiệp. Tính bình quân, cứ 1 doanh nghiệp giúp 1 doanh nghiệp trong 3 năm để khởi nghiệp thành công thì 3 năm sau, doanh số đã tăng lên gấp đôi. “Nếu có sự đồng hành của các doanh nghiệp lớn, chất lượng của các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng tăng lên rất nhiều. Đồng thời, sự đồng hành này khơi thông nguồn lực trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam” - ông Đoàn nói.

"Hỗ trợ startup cũng chính là cách các doanh nghiệp lớn phục vụ nhu cầu phát triển của chính mình" - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc.

Theo Cổng thông tin khởi nghiệp Quốc gia


TRỤ SỞ:

     Lô A17, đường Trung tâm, Khu công nghệ cao, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng

    0236 3666117           

    dhpiza@danang.gov.vn

   Điện thoại bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và Trả kết quả cho công dân, tổ chức: 0236.3666100.

©© Bản quyền của Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng

Giấy phép: Số 05/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cấp ngày 02/01/2020

Trưởng Ban biên tập: Trần Văn Tỵ, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng

Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng" hoặc "www.dhpiza.danang.gov.vn" khi trích dẫn lại thông tin từ Website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Đăng nhập