Tìm kiếm
Phác thảo ‘diện mạo’ thành phố tiện nghi
Người đăng tin: Thời Phước Hồ Ngày đăng tin: 23/07/2020 Lượt xem: 162

TP.Đà Nẵng xác lập rõ lộ trình xây dựng thành công thành phố thông minh, để các tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ sự tiện nghi.


Khu công nghệ cao được TP.Đà Nẵng đầu tư xây dựng làm hạt nhân cho đô thị thông minh - NGUYỄN TÚ

11 năm liên tiếp (2009 - 2019) dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số sẵn sàng ứng dụng và phát triển CNTT (Vietnam ICT Index) đã đưa Đà Nẵng trở thành thành phố kiểu mẫu, điển hình để Chính phủ chỉ đạo nhân rộng trên cả nước. Đó là thành công đáng khích lệ của lộ trình xây dựng thành phố thông minh. Bên cạnh đó, các giải thưởng quốc tế cũng ghi nhận thành quả này, như chương trình “Thách thức thành phố thông minh” IBM 2012, giải xuất sắc WeGO 2014, giải nhất ASEAN ICT Awards 2015, giải thưởng ASOCIO Smart City 2019…

Hệ thống chính quyền điện tử tại TP.Đà Nẵng đã xây dựng và vận hành hiệu quả trên nền tảng Egov Platform tích hợp, liên thông, chia sẻ dữ liệu (như hệ thống quản lý văn bản điều hành, một cửa điện tử, cổng góp ý, dịch vụ công trực tuyến, cổng dịch vụ dữ liệu, chữ ký số…). Đây là kết quả của chuỗi vận hành để hướng đến mô hình thành phố thông minh.

Lộ trình “3 giai đoạn”

Từ đầu năm 2018, UBND TP.Đà Nẵng đã định hướng kiến trúc tổng thể của thành phố thông minh (điều chỉnh các khung kiến trúc từ năm 2010 và 2015), đề án xây dựng đến 2025, định hướng 2030 với các mục tiêu tổng quát như xây dựng thành phố thông minh qua ứng dụng các thành tựu CNTT-TT, cách mạng Công nghiệp 4.0 vào các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Tất cả để tạo công cụ, phương tiện và động lực mới phục vụ nâng cao năng lực quản lý nhà nước, cung cấp nhiều dịch vụ, tiện ích cho người dân... Các tổ chức, cá nhân cũng được tạo điều kiện tham gia xây dựng thành phố thông minh.

Lãnh đạo Sở TT-TT chia sẻ, các yếu tố này nhằm góp phần xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh. Đây cũng sẽ là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây nguyên, một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của khu vực Đông Nam Á... Hướng đến mục tiêu lâu dài đó, TP.Đà Nẵng đặt ra “lộ trình” 3 giai đoạn triển khai.

2018 - 2020 là giai đoạn hình thành hạ tầng, nền tảng và dữ liệu thông minh. Mạng MAN được mở rộng, kết nối đến các cơ quan Đảng và các đơn vị sự nghiệp; Trung tâm dữ liệu thành phố bảo đảm năng lực cài đặt, triển khai các cơ sở dữ liệu và ứng dụng thông minh. Các cơ sở dữ liệu nền như doanh nghiệp, dân cư, cán bộ, công dân… cũng đã hoàn thiện, hình thành các dữ liệu chuyên ngành. Thành phố cũng bắt đầu thí điểm thẻ du lịch thông minh; hoàn thiện cơ bản cơ sở dữ liệu giáo viên, học sinh; học bạ điện tử, cơ sở dữ liệu ngành y tế và hồ sơ điện tử sức khỏe công dân gắn với mã bệnh án điện tử (ID); xây dựng bệnh viện điện tử và triển khai bệnh viện thông minh. Mô hình thành phố thông minh cũng được triển khai ở Q.Liên Chiểu với một số cụm như: khu Công nghệ cao, khu Công viên Phần mềm số 2, khu CNTT tập trung…

Giai đoạn 2020 - 2025 hoàn thiện, “thông minh hóa” các ứng dụng, chuyển quản lý đô thị từ truyền thống thành quản lý trên dữ liệu số. Trung tâm Dữ liệu Đà Nẵng được triển khai giải pháp điện toán đám mây, công nghệ mới để bảo đảm cho các dịch vụ dữ liệu lớn. Hệ thống quan trắc môi trường, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc theo chuỗi sẽ hoàn thành để minh bạch thông tin. Thẻ du lịch thông minh, học liệu điện tử, phòng thí nghiệm ảo, lớp học thông minh, bệnh viện thông minh, chăm sóc y tế qua mạng… là những tiện ích thú vị trong tương lai.

Giai đoạn đến 2030 (thông minh hóa ứng dụng cộng đồng), hạ tầng CNTT-TT khi đó rộng khắp và các công nghệ phân tích như trí tuệ nhân tạo, thực tại ảo... được ứng dụng sâu. Khi đó, Đà Nẵng tự tin hướng đến tầm nhìn 2045: trở thành thành phố thông minh phát triển bền vững.

Theo "Báo Thanh niên"

Đến nay, TP.Đà Nẵng đã hình thành Trung tâm giám sát, điều hành và xử lý tập trung, đa nhiệm (giai đoạn 1) để kết nối, phân tích dữ liệu liên ngành, cung cấp các chỉ số kinh tế - xã hội và đô thị (KPI), hỗ trợ công tác điều hành, quản lý và vận hành thành phố thông minh; đặc biệt là trong tình huống khẩn cấp. 166 nút đèn tín hiệu thông minh, 200 xe buýt và 2.000 taxi được lắp thiết bị giám sát hành trình, hệ thống 1.800 camera giám sát (kết nối với 25.000 camera của người dân, doanh nghiệp)… đã hỗ trợ đắc lực trong công tác quản lý. Ngoài hệ thống quan trắc tự động tại các trạm xử lý nước thải, trạm quan trắc môi trường, quan trắc chất lượng môi trường không khí, điểm giám sát các hồ…, Cổng thông tin an toàn thực phẩm (antoanthucpham.danang.gov.vn) cũng là “cửa ngõ” ấn tượng hỗ trợ người dân tra cứu thông tin.

 


TRỤ SỞ:

     Lô A17, đường Trung tâm, Khu công nghệ cao, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng

    0236 3666117           

    dhpiza@danang.gov.vn

   Điện thoại bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và Trả kết quả cho công dân, tổ chức: 0236.3666100.

©© Bản quyền của Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng

Giấy phép: Số 05/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cấp ngày 02/01/2020

Trưởng Ban biên tập: Trần Văn Tỵ, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng

Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng" hoặc "www.dhpiza.danang.gov.vn" khi trích dẫn lại thông tin từ Website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Đăng nhập