Tìm kiếm
Nhà tuyển dụng quan tâm đến năng lực và sự phù hợp của sinh viên đối với vị trí ứng tuyển
Người đăng tin: Thời Phước Hồ Ngày đăng tin: 18/10/2020 Lượt xem: 353

Với mong muốn kết nối nhu cầu nguồn nhân lực giữa nhà trường với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp và sinh viên, đồng thời tạo điều kiện cho các tân sinh viên có cơ hội tiếp xúc, trao đổi trực tiếp với các doanh nghiệp đang hoạt động trong khu công nghệ cao và các khu công nghiệp về các yêu cầu, điều kiện tuyển dụng, ngày 16-10, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp phối hợp với Đại học Sư phạm kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng tổ chức Tọa đàm “Giao lưu giữa Sinh viên và Doanh nghiệp Khu công nghệ cao - Khu công nghiệp” dành cho hơn 200 tân sinh viên của trường.


Tọa đàm “Giao lưu giữa Sinh viên và Doanh nghiệp Khu công nghệ cao - Khu công nghiệp”

Tham dự tọa đàm có ông Trần Văn Tỵ, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp; PGS.TS Võ Trung Hùng, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm kỹ thuật; đại diện các doanh nghiệp hoạt động tại khu công nghệ cao và các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố, gồm Công ty CP Phát triển Khu công nghệ thông tin Đà Nẵng, Công ty TNHH Kỹ thuật Công nghệ điện tự động Biển Đông, Công ty TNHH Daiwa Việt Nam, Công ty TNHH Mabuchi Motor, Công ty TNHH Universal Alloy Corporation (UAC).

Nhu cầu lao động trong lĩnh vực sản xuất ngày càng tăng cao

Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đã xác định, thành phố Đà Nẵng tập trung phát triển 3 trụ cột chính, gồm: du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển. Với định hướng phát triển trong thời kỳ mới này, thành phố đối mặt nhiều thách thức trong công tác phát triển nhân lực, mà cụ thể là nhu cầu tuyển dụng lao động sản xuất, đặc biệt là tại các khu công nghệ cao và các khu công nghiệp đang không ngừng tăng lên.

Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Trần Văn Tỵ cho biết, Đà Nẵng hiện có 6 khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động, với tổng diện tích hơn 1.066,52 ha; tỷ lệ lấp đầy trên 85% và một Khu Công nghệ cao (KCNC) với diện tích 1.129 ha. Tính đến tháng 6-2020, KCNC và các KCN Đà Nẵng đã thu hút 489 dự án, trong đó có 361 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 24.400 tỷ đồng và 128 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 1,59 tỷ USD. Tổng số lao động hiện làm việc tại KCNC và các KCN Đà Nẵng hơn 72 ngàn người. Cùng với việc quy hoạch mới 3 khu công nghiệp trên địa bàn thành phố, nhu cầu lao động trong lĩnh vực sản xuất sẽ gia tăng đáng kể trong thời gian đến.

Theo thống kê của Phòng Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Đà Nẵng, có 86% doanh nghiệp Đà Nẵng gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động ở cấp giám đốc điều hành, cao hơn so với bình quân cả nước 3%; 75% doanh nghiệp khó khăn trong tuyển dụng lao động ở vị trí quản lý, giám sát, cao hơn cả nước 3%; 32% doanh nghiệp gặp khó khi tuyển dụng công nhân, lao động phổ thông, cao hơn cả nước 7%. Có thể thấy, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thành phố có nhu cầu lao động rất lớn, nhưng hiện vẫn đang gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng.

Công ty TNHH Daiwa Việt Nam hiện có quy mô 3.200 lao động

Giới thiệu về nhu cầu tuyển dụng của công ty, bà Nguyễn Thị Thu Sương, đại diện Công ty UAC – doanh nghiệp hoạt động kinh doanh sản xuất thuộc lĩnh vực hàng không vũ trụ - cho biết, sau khi xây dựng hoàn thành giai đoạn 1 và đi vào hoạt động, hiện có hơn 500 nhân sự đang làm việc trong nhà máy của UAC. Dự kiến năm 2021, UAC sẽ phát triển nhân sự lên 1.000 người; con số này sẽ là hơn 2.000 lao động vào năm 2023. Về phía Công ty TNHH Mabuchi Motor, đại diện công ty ông Trần Quang Khanh cho biết, Mabuchi Motor hiện đang vận hành với trên dưới 3.500 lao động, quy mô sản xuất khoảng 300 triệu motor/năm. Thời gian đến, công ty có kế hoạch nâng sản lượng lên 500 triệu motor/năm, do vậy, nhu cầu tuyển dụng nhân lực trong tương lai rất lớn.

Theo ông Trần Trung Nghĩa, đại diện Công ty CP Phát triển Khu công nghệ thông tin Đà Nẵng, hiện công ty đã đầu tư 3 dây chuyền công nghệ điện tử tại Trung tâm ươm tạo Công nghệ cao, sẽ được khánh thành, đưa vào sử dụng vào ngày 17-10-2020, với 20 kỹ sư vận hành thử nghiệm. Nếu thành công, dự kiến năm 2021, công ty tiếp tục đầu tư hàng chục dây chuyền tại khu công nghệ thông tin tập trung, theo đó, nhu cầu tuyển dụng nhân sự sẽ rất lớn trong năm sau. Đối với Công ty TNHH Daiwa Việt Nam, đại diện công ty bà Nguyễn Thị Tú Uyên cho biết, với quy mô 3.200 lao động hiện nay, luôn có cơ hội việc làm hàng năm tại Daiwa cho các bạn sinh viên ra trường.

Trang bị đủ kiến thức và kỹ năng để nắm bắt cơ hội việc làm

Khảo sát của VCCI cho thấy, doanh nghiệp Đà Nẵng ngày càng tốn nhiều chi phí cho công tác đào tạo lao động, tăng từ 4,5% năm 2016 lên 7,8% năm 2018 trên tổng chi phí kinh doanh. Theo bà Nguyễn Thị Thu Sương, do đặc thù của ngành hàng không vũ trụ quy định nghiêm ngặt về chất lượng, nên lao động làm việc trong ngành này cũng sẽ phải đáp ứng những yêu cầu khắc khe tương ứng. Mặt khác, tại thành phố Đà Nẵng nói riêng và khu vực nói chung thì ngành hàng không vũ trụ là một ngành hoàn toàn mới. Do vậy, UAC phải tốn thời gian và chi phí đào tạo lại lực lượng lao động đã tuyển dụng cho phù hợp với tính chất công việc.

Điều này cho thấy, việc đảm bảo nguồn cung cấp lao động sản xuất chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía, đó là cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và các ứng cử viên là các bạn sinh viên đang học tập tại các cơ sở đào tạo cũng như đã tốt nghiệp ra trường. Cụ thể, doanh nghiệp, nhà trường cần tìm được tiếng nói chung trong công tác kết nối và đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu thực tế; đồng thời, các bạn sinh viên phải nắm được thông tin thị trường lao động, tự mình phát triển bản thân đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Hơn 200 tân sinh viên Đại học Sư phạm kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng tham gia toạ đàm

Với phương châm kinh doanh “cống hiến cho xã hội quốc tế và liên tục mở rộng sự cống hiến đó”, ông Trần Quang Khanh cho biết, Mabuchi Motor không chỉ cống hiến những sản phẩm có ích cho xã hội, mà còn hỗ trợ đào tạo ra nguồn nhân lực, các kỹ sư, cán bộ quản lý có đẳng cấp quốc tế. Hiện đã và đang có nhiều quản lý, kỹ sư người Việt Nam được gửi đi đào tạo, làm việc tại Ba Lan, Mexico và các nước châu Á khác. Do vậy, để trả lời cho câu hỏi doanh nghiệp sử dụng lao động yêu cầu những tiêu chí như thế nào từ các bạn sinh viên khi tuyển dụng, đại diện Mabuchi Motor khẳng định, “với phương châm như trên, chúng tôi không yêu cầu gắt gao về đầu vào, mà mong mỏi sự đồng điệu từ các bạn sinh viên, sự nhiệt tình, đam mê đối với công việc. Các bạn chỉ cần tự tin với nguồn kiến được đào tạo ở nhà trường, chúng tôi sẽ tạo cơ hội để các bạn phát triển sở trường riêng của mình phù hợp với nhu cầu từ phía công ty chúng tôi”.

Đồng tình với phát biểu của đại diện Mabuchi Motor, bà Nguyễn Thị Tú Uyên cho rằng, thời điểm hiện nay, đa phần nhà tuyển dụng không quá đặt nặng xếp loại bằng cấp của sinh viên khi tuyển dụng, mà quan tâm hơn đến năng lực và sự phù hợp đối với doanh nghiệp. “Có rất nhiều vị trí công việc không yêu cầu kinh nghiệm dành cho các bạn sinh viên mới ra trường, chúng tôi chỉ quan tâm việc các em tiếp thu được kiến thức gì ở nhà trường và vận dụng kiến thức đó cho vị trí công việc phù hợp như thế nào. Cùng với đó là những kỹ năng mềm cần phải có như ‘tim nhiệt huyết – óc thông minh – tai lắng nghe – chân năng động – miệng luôn nở nụ cười – con người tràn đầy năng lượng’để nhanh chóng thích nghi với công việc”, đại diện Daiwa Việt Nam cho biết.

Sinh viên Đại học Sư phạm kỹ thuật đặt câu hỏi về tiêu chí của các doanh nghiệp khi tuyển dụng

Trả lời câu hỏi của sinh viên về yêu cầu ngoại ngữ trong tuyển dụng, bà Nguyễn Thị Thu Sương thông tin, yêu cầu đầu tiên là các bạn sinh viên phải đạt chuẩn đầu ra về ngoại ngữ của nhà trường, mà cụ thể ở UAC là tiếng Anh. Sau đó, tuỳ theo vị trí công việc ứng tuyển, nhà tuyển dụng sẽ có các mức yêu cầu về ngoại ngữ tương ứng phù hợp. “Có những vị trí không yêu cầu tiếng Anh, tuy nhiên việc đạt chuẩn đầu ra cơ bản về ngoại ngữ sẽ giúp ích rất nhiều cho các bạn trong quá trình làm việc, cũng như trau dồi kiến thức, nâng cao kỹ năng của bản thân”, bà Nguyễn Thị Thu Sương chia sẻ. Theo đại diện UAC, không chỉ kiến thức chuyên môn, nhà tuyển dụng cũng rất quan tâm đến những yếu tố thể hiện con người của ứng viên như tính kỷ luật, văn hoá ứng xử, sạch sẽ, gọn gàng, đúng giờ… “Chúng tôi không tìm kiếm người giỏi nhất, mà chúng tôi cần tìm người phù hợp”, đại diện UAC nói.

Về chính sách hỗ trợ kiến tập, thực tập cho sinh viên, ông Vương Ngọc Hoàng, đại diện Công ty TNHH Kỹ thuật Công nghệ điện tự động Biển Đông khẳng định, từ năm học thứ 2-3 trở đi, công ty sẵn sàng nhận các bạn sinh viên làm thực tập sinh, hỗ trợ làm đề tài nghiên cứu khoa học, góp phần giúp các bạn nâng cao kỹ năng, khả năng áp dụng kiến thức được học ở nhà trường vào thực tế. “Các bạn sinh viên cần xác định, việc học phải luôn đi đôi với thực hành, luôn đi đôi với nghiên cứu; đồng thời, ở thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, các bạn phải theo dõi, cập nhật diễn biến mới về khoa học công nghệ xung quanh mình. Điều này sẽ giúp các em có nhiều kiến thức bổ trợ cho việc học, cũng như tính sẵn sàng để có thể bắt tay vào công việc ngay khi ra trường”, ông Vương Ngọc Hoàng chia sẻ.

Theo "Cổng Thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng" (NGÔ HUYỀN)


TRỤ SỞ:

     Lô A17, đường Trung tâm, Khu công nghệ cao, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng

    0236 3666117           

    dhpiza@danang.gov.vn

   Điện thoại bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và Trả kết quả cho công dân, tổ chức: 0236.3666100.

©© Bản quyền của Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng

Giấy phép: Số 05/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cấp ngày 02/01/2020

Trưởng Ban biên tập: Trần Văn Tỵ, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng

Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng" hoặc "www.dhpiza.danang.gov.vn" khi trích dẫn lại thông tin từ Website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Đăng nhập