Tìm kiếm
Đà Nẵng đẩy mạnh thu hút FDI công nghệ cao
Người đăng tin: Thời Phước Hồ Ngày đăng tin: 12/11/2020 Lượt xem: 561

Không chỉ có thế mạnh về du lịch biển, Đà Nẵng còn đang là điểm sáng về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực công nghệ cao với khát vọng sớm trở thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo tầm quốc gia, là khu đô thị sáng tạo - khoa học - công nghệ đạt đẳng cấp quốc tế, có sức cạnh tranh cao.


Sức tàn phá ghê gớm của đại dịch Covid-19 đã khiến cho nhiều tỉnh thành trên cả nước đối diện với những khó khăn, thách thức lớn về phát triển kinh tế và Đà Nẵng cũng không phải là ngoại lệ. Đơn cử như ngành du lịch, từ đầu năm đến nay, tổng doanh thu từ lĩnh vực này của Đà Nẵng đã giảm gần 50% so với cùng kì năm 2019. Tuy nhiên, thu hút đầu tư nói chung, đầu tư nước ngoài (FDI) nói riêng của Đà Nẵng lại có nhiều khởi sắc và được xem như một điểm sáng trong bối cảnh tình hình kinh tế không mấy sáng sủa này.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến cuối tháng 6/2020, Đà Nẵng là địa phương dẫn đầu trong số 13 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên về thu hút vốn FDI. Còn theo con số thống kê của Đà Nẵng, 7 tháng đầu năm 2020, thành phố này đã thu hút hơn 120 triệu USD vốn FDI, với 62 dự án được cấp mới. Như vậy, tính tổng thể đến nay trên địa bàn thành phố đã có 867 dự án với tổng vốn đăng kí khoảng 3,518 tỉ USD.

Nói về khả năng thu hút đầu tư của Đà Nẵng, ông Vincent Floreani - Tổng lãnh sự Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh, phụ trách 22 tỉnh miền Trung và Nam Việt Nam cho biết: “Mỗi năm tôi đến Đà Nẵng 3-4 lần để tìm kiếm cơ hội thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp Pháp với Đà Nẵng. Mỗi lần như thế tôi thường cố gắng thu thập thật nhiều thông tin và các chính sách ưu đãi của thành phố để cung cấp cho các doanh nghiệp Pháp muốn tìm hiểu. Theo tôi, những chính sách thu hút đầu tư hiện nay của Đà Nẵng đang rất tốt và sắp tới có thể sẽ còn tốt hơn.”.

Tòa nhà trung tâm điều hành của Ban Quản lí Khu Công nghệ cao và các Khu Công nghiệp Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Hòa

Nhà máy xử lí nước thải có công suất xử lí 18.000 m3/ngày đêm của Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Hòa

Hệ thống xử lí lọc nước của Nhà máy xử lí nước thải Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Hòa

Trung tâm theo dõi và điều hành của Nhà máy xử lí nước thải Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Hòa

Sơ đồ hệ thống xử lí nước thải của Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Hòa

Ông Lee Hyung Seok, Tổng Giám đốc Công ty TNHH ICT Vina (thuộc Tập đoàn Dentium, Hàn Quốc):

“Tôi thực sự ấn tượng với cách giải quyết thủ tục đầu tư của Đà Nẵng. Ban đầu chúng tôi dự kiến sẽ mất khoảng 12 tháng để hoàn thành mọi thủ tục đầu tư nhưng thực tế chỉ mất 8 tháng, nhanh hơn nhiều so với dự kiến.”. Ảnh: Thanh Hòa

Phòng kiểm tra chất lượng sản phẩm răng cấy nhân tạo implant của Công ty TNHH ICT Vina (thuộc Tập đoàn Dentium, Hàn Quốc). Ảnh: Thanh Hòa

Mọi quy trình kiểm tra, giám sát chất lượng các sản phẩm nha khoa công nghệ cao của Công ty TNHH ICT Vina (thuộc Tập đoàn Dentium, Hàn Quốc) đều được tiến hành đầy đủ và nghiêm túc. Ảnh: Thanh Hòa

Nhân viên kĩ thuật của Công ty TNHH ICT Vina (thuộc Tập đoàn Dentium, Hàn Quốc) sử dụng loại kính hiển vi chuyên dụng để kiểm tra chất lượng các loại linh kiện có kích thước nhỏ và siêu nhỏ. Ảnh: Thanh Hòa

Việc sản xuất các sản phẩm nha khoa công nghệ cao của Công ty TNHH ICT Vina (thuộc Tập đoàn Dentium, Hàn Quốc) được tự động hóa hoàn toàn nhờ vào hệ thống máy móc hiện đại. Ảnh: Thanh Hòa

Với những nỗ lực từ cả hai phía, tháng 6 vừa qua, Công ty Ubisoft (Pháp), một trong 4 công ty lập trình game lớn nhất toàn cầu, đã mở văn phòng chính thức tại Đà Nẵng. Và mới đây, ngay sau khi Đà Nẵng khống chế thành công đợt dịch Covid-19 lần thứ hai, một doanh nghiệp thuộc Tập đoàn LG của Hàn Quốc đã kí bản ghi nhớ hợp tác với Đà Nẵng trên nhiều lĩnh vực như: đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, xây dựng trung tâm phát triển giải pháp về linh kiện xe hơi, cũng như hỗ trợ các công ty vệ tinh, các nhà sản xuất phụ trợ của Tập đoàn LG đến khảo sát và đầu tư vào thành phố Đà Nẵng. Trong chiến lược phát triển tại Việt Nam, LG cũng dự kiến xác định thành phố Đà Nẵng sẽ là “cứ điểm” để thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ thông tin của cả Tập đoàn.

Thực tế ngay tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, một dự án lớn nằm ở phía Tây Bắc thành phố, mặc dù thời gian qua tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng các doanh nghiệp FDI thuộc lĩnh vực công nghệ cao ở đây vẫn hoạt động ổn định và hiệu quả. Điển hình như Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine do Tập đoàn UAC (Mỹ) đầu tư với tổng vốn 170 triệu USD, chỉ sau hơn 1 năm triển khai xây dựng đã hoàn thành xong giai đoạn 1, và tháng 7 vừa qua đã xuất xưởng lô hàng mẫu đầu tiên cho đối tác quốc tế. Đây là một trong những dự án trọng điểm được thu hút vào Khu Công nghệ cao Đà Nẵng từ Chương trình “Tọa đàm Mùa xuân 2019”, chương trình mà Đà Nẵng đã thu hút được 19 dự án với tổng số vốn gần 4 tỉ USD.

Ông Lee Hyung Seok, Tổng Giám đốc Công ty ICT Vina, doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc chuyên sản xuất thiết bị y tế và răng cấy nhân tạo, cũng bày tỏ sự ấn tượng về chủ trương thu hút đầu tư của Đà Nẵng: “Chúng tôi chọn Khu Công nghệ cao Đà Nẵng để đầu tư vì thành phố có nhiều chính sách ưu đãi về thuế thu nhập, tiền thuê đất... Đặc biệt, điều làm tôi ấn tượng nhất chính là thời gian giải quyết hồ sơ, thủ tục đầu tư rất nhanh. Ban đầu chúng tôi dự tính phải mất khoảng một năm cho việc hoàn tất các thủ tục phức tạp này, nhưng cuối cùng chỉ 8 tháng đã xong.”.

Còn ông Niwa Dai, Tổng Giám đốc công ty TNHH Niwa Foundry Việt Nam (100% vốn Nhật Bản) - một trong những công ty đầu tiên đầu tư vào Khu Công nghệ cao Đà Nẵng – cho biết: “Hiện nay, mỗi năm doanh thu của chúng tôi đạt khoảng 6 triệu USD. Đà Nẵng không chỉ có sức hấp dẫn về chính sách đầu tư mà còn rất thuận lợi để sản xuất và vận chuyển, xuất khẩu sản phẩm đi các nước Đông Nam Á, nơi được xem là thị trường xuất khẩu chính của Niwa Foundry.”.

Nhân viên kĩ thuật Công ty TNHH Niwa Foundry Việt Nam soi kiểm tra sản phẩm đúc cơ khí chính xác. Ảnh: Thanh Hòa

Nhân viên vận hành lò đúc công nghệ cao chuyên đúc các sản phẩm cơ khí chính xác của Công ty TNHH Niwa Foundry Việt Nam. Ảnh: Thanh Hòa

Lò đúc công nghệ cao chuyên đúc các sản phẩm cơ khí chính xác của Công ty TNHH Niwa Foundry Việt Nam. Ảnh: Thanh Hòa

Niwa Foundry Việt Nam là doanh nghiệp chuyên đúc các sản phẩm cơ khí có độ chính xác cao. Ảnh: Thanh Hòa

Một loại sản phẩm đúc công nghệ cao của Công ty Niwa Foundry Việt Nam. Ảnh: Thanh Hòa

Công đoạn gia công hoàn thiện các sản phẩm đúc của Công ty Niwa Foundry Việt Nam. Ảnh: Thanh Hòa

Lò đúc công nghệ cao có thiết kế nhỏ gọn, tiết kiệm năng lượng và hạn chế gây ô nhiễm môi trường của Công ty Niwa Foundry Việt Nam. Ảnh: Thanh Hòa

Ông Niwa Dai, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Niwa Foundry Việt Nam, trực tiếp kiểm tra khu căng tin phục vụ ăn uống nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho công nhân của nhà máy. Ảnh: Thanh Hòa

Đầu tháng 10/2020, Trung tâm Phát triển giải pháp về linh kiện xe hơi tại Việt Nam (thuộc Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam Hải Phòng) đã kí biên bản ghi nhớ hợp tác với Tp. Đà Nẵng. Ảnh: Tư liệu

Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các Khu Công nghiệp thành phố Đà Nẵng, cho biết cho đến thời điểm này các dự án đầu tư vào Khu Công nghệ cao Đà Nẵng đều đáp ứng tiêu chí thu hút đầu tư của thành phố. Đây đều là các dự án lớn, công nghệ hiện đại, dây chuyền sản xuất tự động và chuyên môn hóa cao; sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thậm chí có những dòng sản phẩm có giá trị toàn cầu, góp phần tạo kim ngạch xuất khẩu lớn.

Sắp tới, để đón dòng vốn chuyển dịch từ các nước, trước mắt Đà Nẵng tập trung kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch Covid-19 tại Khu Công nghệ cao và các Khu Công nghiệp nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp yên tâm hoạt động ổn định. Về lâu dài, Ban quản lý khu Công nghệ cao và các Khu Công nghiệp thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư bằng nhiều giải pháp, trong đó có việc tiếp tục nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, cải thiện chính sách thu hút đầu tư theo hướng thông thoáng, minh bạch, tăng tính cạnh tranh, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp./.

Khu Công nghệ cao Đà Nẵng được thành lập vào năm 2010, là khu công nghệ cao đa chức năng thứ ba của cả nước, sau Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) và Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. Khu có diện tích 1.128,4ha, tổng mức đầu tư 8.841 tỉ đồng; hiện đã thu hút được 21 dự án, trong đó có 11 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 5.691 tỷ đồng (tương đương khoảng 242 triệu USD), 10 dự án FDI với tổng vốn hơn 400 triệu USD. Riêng 6 tháng đầu năm 2020, có 3 dự án trong nước được cấp mới giấy chứng nhận đăng kí đầu tư với tổng vốn 531 tỉ đồng, 1 dự án FDI với tổng vốn là 60 triệu USD (chiếm 74,8% tổng vốn FDI thu hút của thành phố Đà Nẵng).

Theo "https://vietnam.vnanet.vn" (Bài, ảnh: Thanh Hòa)


TRỤ SỞ:

     Lô A17, đường Trung tâm, Khu công nghệ cao, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng

    0236 3666117           

    dhpiza@danang.gov.vn

   Điện thoại bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và Trả kết quả cho công dân, tổ chức: 0236.3666100.

©© Bản quyền của Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng

Giấy phép: Số 05/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cấp ngày 02/01/2020

Trưởng Ban biên tập: Trần Văn Tỵ, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng

Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng" hoặc "www.dhpiza.danang.gov.vn" khi trích dẫn lại thông tin từ Website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Đăng nhập