Tìm kiếm
Những kết quả bước đầu triển khai KCN sinh thái tại thành phố Đà Nẵng
Người đăng tin: Thời Phước Hồ Ngày đăng tin: 14/12/2020 Lượt xem: 119

Đến nay thành phố Đà Nẵng đã xây dựng và phát triển 06 khu công nghiệp (KCN) tập trung 1 khu công nghệ cao (KCNC); thu hút 489 dự án với tổng vốn đầu tư là 24.747,8 tỷ đồng và 1.598,7 triệu USD.


Đẩy mạnh phát triển các KCN, KCNC

Ông Phạm Trường Sơn- Trưởng ban Ban Quản lý KCNC và các KCN Đà Nẳng phát biểu tại Hội thảo khởi động Dự án“Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu”

Năm 1993, theo Quyết định số 67/TTg của Thủ tướng Chính phủ, KCN An Đồn (nay là KCN Đà Nẵng) chính thức được thành lập, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc phát triển các KCN tại thành phố Đà Nẵng. Sau gần 30 năm phát triển, với sự cố gắng nỗ lực và tầm nhìn xã trông rộng của chính quyền thành phố, Đà Nẵng đã xây dựng và đưa vào hoạt động 06 KCN tập trung với quy mô tổng thể là 1.066,52 ha và 1 KCNC với diện tích 1,129 ha, bao gồm: KCN Đà Nẵng, KCN Hòa Cầm, KCN Hòa Khánh, KCN Hòa Khánh mở rộng, KCN Liên Chiểu và KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng.

Những năm qua các KCN trên địa bàn đã có những đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế- xã hội của thành phố, cụ thể: Góp phần đẩy mạnh tăng trưởng sản xuất ngành công nghiệp, nâng cao giá trị xuất khẩu và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước; góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng năng suất lao động và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực; đóng góp tích cực vào công tác bảo vệ môi trường và thực hiện định hướng tăng trưởng xanh; thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư giữa thành phố Đà Nẵng và các đối tác quan trọng...

Đến nay, KCNC và các KCN thu hút 489 dự án; trong đó có 361 dự án đầu tư trong nước (DDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký là 24.747,8 tỷ đồng (chiếm 21,5% tổng vốn đầu tư DDI của Thành phố) và 128 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1.598,7 triệu USD (chiếm 47% tổng vốn đầu tư FDI của Thành phố); giải quyết việc làm cho hơn 78.000 lao động; giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu và nộp ngân sách Nhà nước ngày càng tăng qua các năm.

Riêng trong 6 tháng đầu năm 2020, KCNC và các KCN của Thành phố có giá trị sản xuất công nghiệp là 404,633 triệu USD và 2.229.104 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu là 353,720 triệu USD và 663.637,5 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước là 67, 721 triệu USD và 642.659,3 tỷ đồng.

Theo điều chỉnh quy hoạch chung của Thành phố, thời gian tới Đà Nẵng sẽ phát triển thêm 04 KCN mới với diện tích gần 1.000 ha.

Thành quả đạt được qua 04 năm triển khai dự án KCN sinh thái

Ngày 21/8/2018, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường tầm nhìn đến năm 2020”. Một trong các mục tiêu của Đề án là đảm bảo các yêu cầu về chất lượng môi trường đất, nước, không khí, xử lý triệt để các điểm nóng ô nhiễm môi trường, hạn chế tác động của các KCN đến môi trường xung quanh.

Với mục tiêu trên, khi Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp quốc (UNIDO) đề nghị thí điểm Dự án “Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam” vào năm 2014; UBND thành phố Đà Nẵng đã giao Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Đà Nẵng, nay là Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng (Ban Quản lý) chủ động phối hợp với Vụ Quản lý các Khu kinh tế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu phương thức triển khai Dự án. Ngày 28/4/2014, văn kiện Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thực hiện thí điểm tại 03 KCN, trong đó có KCN Hòa Khánh- thành phố Đà Nẵng.

Qua 04 năm (từ 2015 – 2019) triển khai Dự án “Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam”, Dự án đã đạt được những thành công nhất định. Tại KCN Hòa Khánh- thành phố Đà Nẵng, Dự án đã hỗ trợ đánh giá Hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn cho 29 doanh nghiệp; các chuyên gia của Dự án đã đề xuất 334 giải pháp sản xuất sạch hơn; trong đó 228 giải pháp đã được thực hiện, giúp các doanh nghiệp KCN tiết kiệm hơn 14 tỷ đồng/năm; giảm gần 50.000 m3 nước thải và trên 5.000 tấn CO2/năm.

Ban Quản lý đã phối hợp với Vụ Quản lý các Khu Kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức 04 khóa đào tạo về kiểm toán năng lượng và an toàn hóa chất cho các doanh nghiệp tại KCN Hòa Khánh; cấp 137 chứng chỉ cho các cán bộ môi trường, kỹ thuật tại các doanh nghiệp. Nội dung các khóa tập huấn nâng cao năng lực đánh giá, quản lý công tác bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp; hướng dẫn một số giải pháp khả thi, chi phí thấp để hạn chế phát thải, tối ưu hóa dây chuyền sản xuất.

Trong giai đoạn 2017-2019, Ban Quản lý đã phối hợp với Tổ chức phát triển Công nghiệp Hàn Quốc, Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam tiến hành nhiều đợt đánh giá tiềm năng xây dựng mạng lưới cộng sinh công nghiệp tại KCN Hòa Khánh. Trên cơ sở kết quả khảo sát, đơn vị tư vấn đã đề xuất 20 giải pháp cộng sinh công nghiệp cho các doanh nghiệp tại KCN Hòa Khánh; trong đó có 4 giải pháp cộng sinh nguồn nhân lực, 11 giải pháp tuần hoàn chất thải, nguyên vật liệu, 05 giải pháp tái sử dụng năng lượng.

Trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 cũng như tác động tiêu cực của thiên tai, một số doanh nghiệp thuộc các mạng lưới từng khảo sát đã tạm dừng hoạt động, thay đổi ngành nghề hoặc điều chỉnh quy mô công suất. Tuy nhiên, những kinh nghiệm tính toán hiệu quả cộng sinh mà Dự án để lại vẫn mang tính áp dụng lâu dài.

Xây dựng KCN sinh thái là nhiệm vụ tất yếu để phát triển bền vững

Qua 04 năm phối hợp với các bên liên quan để triển khai Dự án, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã rút ra được một số bài học kinh nghiệm trong việc chuyển đổi các KCN truyền thống sang mô hình KCN sinh thái, đó là:

Việc triển khai chuyển đổi các KCN truyền thống sang mô hình KCN sinh thái được UBND thành phố Đà Nẵng đặc biệt quan tâm và phù hợp với chủ trương phát triển thành phố môi trường. Theo Dự thảo Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường” giai đoạn 2021 - 2030, UBND thành phố Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 01 KCN trên địa bàn thành phố đáp ứng các tiêu chí của KCN sinh thái và đến 2030 có ít nhất 03 KCN được công nhận là KCN sinh thái.

Việc triển khai mạnh mẽ các biện pháp tuyên truyền, đào tạo đã nâng cao ý thức của các doanh nghiệp KCN trong việc chủ động thực hiện các giải pháp sản xuất sạch, bảo vệ môi trường, qua đó góp phần nâng cao được lợi nhuận và hiệu quả đầu tư.

Trong thời gian tới, Ban Quản lý sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu các mạng lưới cộng sinh công nghiệp có tính khả thi cao để thí điểm; đồng thời cần huy động, giới thiệu các nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư chuyển đổi công nghệ xanh, thân thiện với môi trường.

Những kết quả bước đầu của việc chuyển đổi từ KCN hiện hữu sang mô hình KCN sinh thái thời gian qua tại Đà Nẵng nói riêng và các tỉnh trong cả nước nói chung là minh chứng rõ nét nhất để khẳng định rằng, việc xây dựng mô hình KCN sinh thái là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, là xu thế tất yếu trong thời gian đến nhằm giải quyết triệt để ảnh hưởng của các KCN đến môi trường tự nhiên. Bên cạnh đó, xây dựng các KCN sinh thái theo khung tiêu chí quốc tế có thể nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh môi trường đầu tư trong và ngoài nước, phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển toàn cầu. Tuy nhiên, xây dựng mô hình KCN sinh thái vẫn là một chặng đường dài, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt từ cấp Trung ương đến địa phương và đặc biệt là sự tham gia, phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa của các doanh nghiệp KCN.

Để tiếp tục khuyến khích việc phát triển các KCN sinh thái, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng mong muốn Vụ Quản lý các Khu Kinh tế tiếp tục tham mưu Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư quy định cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện hợp tác để hình thành các mạng lưới cộng sinh công nghiệp. Đồng thời, cần xây dựng khung pháp lý cụ thể, đủ mạnh để hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ các vướng mắc, khiếu nại phát sinh trong và sau khi hình thành các mạng lưới cộng sinh công nghiệp./.

Phạm Trường Sơn
Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẳng


TRỤ SỞ:

     Lô A17, đường Trung tâm, Khu công nghệ cao, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng

    0236 3666117           

    dhpiza@danang.gov.vn

   Điện thoại bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và Trả kết quả cho công dân, tổ chức: 0236.3666100.

©© Bản quyền của Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng

Giấy phép: Số 05/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cấp ngày 02/01/2020

Trưởng Ban biên tập: Trần Văn Tỵ, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng

Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng" hoặc "www.dhpiza.danang.gov.vn" khi trích dẫn lại thông tin từ Website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Đăng nhập