Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) – Nhìn từ góc độ Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp của thành phố Đà Nẵng
Người đăng tin: Thời Phước Hồ Ngày đăng tin: 24/05/2019 Lượt xem: 154

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được xây dựng, công bố lần đầu tiên vào năm 2005 nhằm mục đích đánh giá vai trò của chính quyền địa phương và môi trường kinh doanh của các tỉnh, thành phố trong cả nước


PCI đã thưc sự trở thành nguồn thông tin hữu ích trên phương diện đánh giá chất lượng điều hành và nỗ lực cải cách hành chính của địa phương, nhận diện được những điểm mạnh, điểm yếu cũng như những hạn chế cần khắc phục để địa phương trở nên năng động và hiệu quả hơn, ngoài ra còn thúc đẩy học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm tốt giữa các địa phương. Từ năm 2013-2016, thành phố Đà Nẵng liên tiếp giữ vững ngôi đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; được thể hiện bằng chương trình tái cơ cấu nền kinh tế, doanh nghiệp và ngân sách; triển khai có hiệu quả mô hình “một cửa” ở tất cả các UBND quận, huyện, phường, xã và các sở, ban, ngành; cắt giảm các thủ tục liên quan đến đầu tư, doanh nghiệp; triển khai cơ chế “liên thông - liên kết - trọn gói” trong việc cấp giấy phép kinh doanh. Tuy nhiên, thành phố đã đánh mất lợi thế khi để Quảng Ninh "soán ngôi" vào năm 2017, và đến nay tiếp tục tụt hạng sâu. Kết quả điều tra PCI năm 2018 nêu rõ, đánh giá của doanh nghiệp về chất lượng giải quyết thủ tục hành chính tại Đà Nẵng sụt giảm rõ rệt. Các doanh nghiệp cũng phản ánh về khoảng cách giữa chỉ đạo điều hành của chính quyền thành phố với các sở, ngành, huyện thị có sự gia tăng; tính năng động của chính quyền cấp tỉnh giảm nhiều từ 6,65 điểm năm 2017 xuống còn 5,96 năm 2018.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2018

PCI gồm các chỉ số thành phần như sau:

- Chi phí gia nhập thị trường thấp;

- Tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định;

- Môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai;

- Chi phí không chính thức thấp;

- Thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng;

- Môi trường cạnh tranh bình đẳng;

- Chính quyền tỉnh/thành phố năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp;

- Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, chất lượng cao;

- Chính sách đào tạo lao động tốt;

- Thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và duy trì được an ninh trật tự.

Hiện nay, thành phố có Khu công nghệ cao (Khu CNC) với diện tích quy hoạch là 1.128 ha và 06 Khu công nghiệp (KCN), gồm: Hòa Khánh, Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng, Hòa Cầm, Hòa Khánh mở rộng, Liên Chiểu, Đà Nẵng (KCN Đà Nẵng đã có chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất). Tổng diện tích đất của 06 KCN là 1.066,52 ha; trong đó, diện tích đất công nghiệp cho thuê là 807,15 ha, đã cho thuê 701,48 ha chiếm tỷ lệ lấp đầy 86,91%; diện tích đất còn lại 105,67 ha tập trung tại 03 KCN: Hòa Cầm (13,83 ha), Hòa Khánh mở rộng (10,17 ha) và KCN Liên Chiểu (81,67 ha). Đồng thời quy hoạch xây dựng 03 KCN mới: Hòa Cầm - Giai đoạn 2 (119 ha), Hòa Nhơn (393,57 ha) và Hòa Ninh (400 ha); dự kiến đến quý II năm 2020 lựa chọn xong nhà đầu tư để đầu tư kinh doanh hạ tầng các KCN mới này.

Về thu hút đầu tư đến nay: Đối với Khu CNC đã thu hút 16 dự án với tổng vốn đầu tư là 560 triệu USD; trong đó có 07 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 256 triệu USD, 09 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư là 5.272 tỷ đồng. Đối với các KCN đã thu hút 462 dự án; trong đó có 342 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư là 19.134,1 tỷ đồng và 120 dự án nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư là 1.161,1 triệu USD. 

Trước bối cảnh hội nhập, yêu cầu ngày càng khắt khe hơn từ cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời thực hiện nâng cao Bộ chỉ số đánh giá năng lực điều hành cấp sở, ban, ngành và địa phương thuộc tỉnh (DDCI), Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng (Ban Quản lý) cần có những cải cách mạnh mẽ hơn, hướng tới hình ảnh của một cơ quan phục vụ tốt nhất.  Để đạt được mục tiêu nâng cao chỉ số DDCI, cần thực hiện một số nội dung sau:

Một là, về thể chế phải luật hóa những quy định của pháp luật thành những quy trình, thủ tục cụ thể; đề xuất kiến nghị sửa đổi bổ sung những quy định chưa rõ ràng, chồng chéo như giữa pháp luật về đầu tư với các pháp luật chuyên ngành, quy chế Khu CNC, công nhận doanh nghiệp chế xuất…

Hai là, tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng 03 KCN mới; đồng thời công bố quỹ đất sử dụng không hiệu quả qua rà soát tại các KCN.

Ba là, công khai trên website Ban Quản lý: Quy hoạch Khu CNC, từng KCN; giá thuê đất; tiền sử dụng hạ tầng (Khu CNC); phí sử dụng hạ tầng (các KCN); tiền bồi hoàn giải phóng mặt bằng (Khu CNC); phí xử lý nước thải; quy trình đầu tư; quy trình giải quyết các thủ tục hành chính; các thủ tục hành chính; hướng dẫn triển khai các thủ tục đầu tư sau cấp phép.

Bốn là, tiếp tục rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, nâng tỷ lệ áp dụng thủ tục hành chính trực tuyến và tiến đến 100% thực hiện trực tuyến.

Năm là, nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dự án đầu tư, quản lý thông tin về giải quyết thủ tục hành chính, giải quyết công việc thường nhật, có công cụ tương tác với doanh nghiệp/ nhà đầu tư.

Sáu là, thường xuyên gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp/ nhà đầu tư theo kế hoạch và đột xuất; trước đối thoại phải tập hợp ý kiến phản ánh, trong đối thoại phải làm rõ và trả lời kết quả giải quyết khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp/ nhà đầu tư với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp/ nhà đầu tư.

Bảy là, đa dạng hóa các tài liệu, công cụ xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh hoạt động quảng bá Đà Nẵng, Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp.

Tám là, xây dựng, phát triển đội ngũ công chức chuyên nghiệp, năng động, quán triệt tinh thần coi doanh nghiệp/ nhà đầu tư là đối tương để phục vụ.

PCI đã trở thành thước đo đánh giá giữa các địa phương về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp. Quan trọng hơn, nó đã trở một công cụ phản ánh rõ nét chất lượng hoạch định và điều hành chính sách của chính quyền địa phương đối với doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy những thay đổi sát với thực tiễn, yêu cầu cụ thể của từng chính quyền địa phương để tạo nên một môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh. Tương tự như vậy DDCI là thước đo đánh giá giữa các sở, ban, ngành và địa phương của thành phố; thực hiện và duy trì tốt DDCI sẽ nâng cao vai trò quản lý nhà nước của Ban Quản lý đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội./.

Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng
Nguyễn Xuân Đại


OFFICE:

     Lot A17, Centre Road, DaNang High-tech Park, HoaLien Village, HoaVang District, DaNang city

    0236.3666117              

    dhpiza@danang.gov.vn

        One-stop service phone number: 0236.3666100

Copyright © 2018 Danang Hi-Tech Park and Industrial Zones Authority

Please cite "Danang Hi-Tech Park and Industrial Zones Authority Website" or "www.dhpiza.danang.gov.vn" when quoting information from this Website.

Đăng nhập