Tìm kiếm
Khu Công nghệ cao Đà Nẵng: Chọn mặt gửi vàng
Người đăng tin: Thời Phước Hồ Ngày đăng tin: 18/02/2021 Lượt xem: 1719

Năm 2020, trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo TP Đà Nẵng và sự đồng tâm hiệp lực, năng động, nỗ lực vượt khó của các sở, ban, ngành, Đà Nẵng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong công tác quản lý, điều hành và thu hút đầu tư vào Khu Công nghệ cao (CNC) Đà Nẵng. Trước thềm Xuân Tân Sửu, phóng viên (P.V) Báo Công an TP Đà Nẵng đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi với ông Phạm Trường Sơn - Trưởng ban Ban Quản lý Khu CNC và các KCN Đà Nẵng.


P.V: Ông có thể giới thiệu tổng quan về Khu CNC Đà Nẵng?

Ông Phạm Trường Sơn: Ở Việt Nam có 3 khu CNC đa chức năng do Thủ tướng Chính phủ thành lập, bao gồm: Khu CNC Hòa Lạc (thành lập năm 1998), Khu CNC TPHCM (2002) và Khu CNC Đà Nẵng (2010). 3 khu CNC này nằm ở ba miền Bắc, Trung, Nam Việt Nam, đóng vai trò là trung tâm khoa học- công nghệ của 3 khu vực. Khu CNC Đà Nẵng được xây dựng tại xã Hòa Liên và xã Hòa Ninh (H. Hòa Vang), có tổng diện tích quy hoạch hơn 1.128ha, trong đó, có 6 phân khu chức năng, gồm: Khu sản xuất rộng 202,58ha, Khu R&D rộng 99,93ha, Khu hậu cần - logistics - dịch vụ CNC rộng 27,45ha, Khu ở rộng 31,4ha, Khu hạ tầng kỹ thuật đầu mối rộng 9,75ha và Khu hành chính rộng 28,35ha. Khu CNC Đà Nẵng có chức năng: nghiên cứu, ươm tạo, phát triển, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao (CNC); đào tạo nhân lực CNC; ươm tạo doanh nghiệp CNC; đẩy mạnh ứng dụng và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; đầu tư mạo hiểm; thúc đẩy nền công nghiệp của TP phát triển theo hướng hiện đại hóa, tăng hiệu quả và năng suất đầu tư, tăng giá trị sản phẩm hàng hóa...

P.V: Đâu là các chính sách ưu đãi đầu tư nổi trội dành cho nhà đầu tư khi đầu tư vào Khu CNC Đà Nẵng?

Ông Phạm Trường Sơn: Trước hết là chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp: doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới; doanh nghiệp thực hiện dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua đối với người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong Khu CNC Đà Nẵng sẽ được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời hạn 15 năm. Bên cạnh đó, được miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; các dự án đầu tư mới có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong 30 năm.

Tiếp đến là ưu đãi về tiền thuê đất: các dự án được miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản nhưng tối đa không quá 3 năm kể từ ngày có quyết định cho thuê đất. Sau thời gian miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản, tùy thuộc loại dự án mà có thể được miễn tiền thuê đất 15 năm hay tiền thuê đất 19 năm hoặc miễn toàn bộ tiền thuê đất lên đến 50 năm. Ngoài ra, các nhà đầu tư khi đầu tư vào Khu CNC Đà Nẵng còn được hưởng các chính sách ưu đãi về hoàn trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng; ưu đãi về thuế nhập khẩu; ưu đãi về xuất nhập cảnh...

P.V: Tình hình đầu tư hạ tầng, thu hút đầu tư vào Khu CNC Đà Nẵng trong thời gian qua như thế nào?

Ông Phạm Trường Sơn: Đến nay, Khu CNC Đà Nẵng đã cơ bản hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1, giai đoạn 2 và đang triển khai giai đoạn 3. Theo đó, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các dịch vụ vệ tinh, tiện ích đã cơ bản hoàn thành, gồm có: điện, cấp nước, hệ thống xử lý nước thải, giao thông, cây xanh, viễn thông, thông tin liên lạc... sẵn sàng đáp ứng mặt bằng sạch và đồng bộ để nhà đầu tư thuận lợi trong việc triển khai xây dựng dự án, nhà máy, v.v... Về kết quả thu hút đầu tư vào Khu CNC Đà Nẵng, trong năm 2020 vừa qua đã thu hút thêm 5 dự án đầu tư, trong đó, có 1 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với vốn đầu tư 60 triệu USD (Dự án Nhà máy sản xuất thiết bị y tế ICT VINA II của Cty TNHH Dentium, Hàn Quốc); 4 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 1.131 tỷ đồng.

Ngoài ra, thực hiện điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 2 dự án FDI khác với vốn đầu tư tăng thêm là 3,51 triệu USD. Hiện BQL KNC và các KCN Đà Nẵng đang xem xét đánh giá Dự án Nhà máy sản xuất linh kiện bán dẫn United States Enterprises của nhà đầu tư Hoa Kỳ với tổng vốn đầu tư 110 triệu USD và Dự án Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Fujikin Đà Nẵng của nhà đầu tư Nhật Bản với tổng vốn đầu tư 35 triệu USD. Lũy kế đến nay, Khu CNC Đà Nẵng đã thu hút 22 dự án, trong đó có 12 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư là 6.291 tỷ đồng (tương đương với khoảng 267 triệu USD), 10 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 400 triệu USD.

Sản xuất bản mạch điện tử ở Nhà máy nghiên cứu sản xuất và lắp ráp thiết bị điện tử công nghệ cao SMT tại Khu CNC Đà Nẵng.

P.V: Ông có thể cho biết về định hướng, nhiệm vụ và giải pháp thu hút đầu tư vào Khu CNC Đà Nẵng trong thời gian đến?

Ông Phạm Trường Sơn: Trong năm 2021 và những năm tiếp theo, Khu CNC Đà Nẵng tập trung thu hút đầu tư từ các tập đoàn công nghệ đứng đầu các chuỗi sản xuất, các đối tác có công nghệ cao của các quốc gia như: Hoa Kỳ, Châu Âu, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, v.v... Trong đó, ưu tiên thu hút các dự án có quy mô lớn và suất đầu tư từ 15 triệu USD/1ha trở lên, riêng trong năm 2021, phấn đấu thu hút từ 2 - 3 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư của mỗi dự án trên 150 triệu USD. Để đạt được các chỉ tiêu, nhiệm vụ trên, BQL Khu CNC và các KCN Đà Nẵng tập trung mời gọi và xúc tiến nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực, thương hiệu mạnh; ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, có hàm lượng CNC, thân thiện với môi trường sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, có sản phẩm mang lợi thế cạnh tranh, ít sử dụng đất, phù hợp với Đề án phát triển tổng thể Khu CNC Đà Nẵng đến năm 2030...

Bên cạnh đó, đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật Khu CNC Đà Nẵng; hoàn thiện thủ tục chuyển đổi và thành lập Khu công nghiệp hỗ trợ Khu CNC Đà Nẵng; tổ chức các đoàn đi xúc tiến đầu tư, hợp tác thu hút các dự án có quy mô lớn, có sức lan tỏa từ các thị trường trọng điểm như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand, Châu Âu, Hoa Kỳ và các quốc gia Đông Nam Á sau khi dịch bệnh được kiểm soát; tăng cường hợp tác với các tổ chức để phối hợp trong các hoạt động xúc tiến đầu tư như: Tập đoàn KPMG, Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Cơ quan Xúc tiến Thương mại - Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA), Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ -ASEAN (USABC), Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (GIC-AHK), Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam), Hiệp hội các Khu khoa học Châu Á (ASPA); nghiên cứu, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động xúc tiến đầu tư (website, fanpage, chatbot); tiếp tục phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư trực tuyến hiệu quả; tích cực phối hợp, hỗ trợ nhà đầu tư trong việc hoàn thành các thủ tục hành chính, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để sớm triển khai xây dựng dự án, đồng thời đôn đốc các dự án đủ điều kiện tổ chức triển khai xây dựng...

P.V: Xin cảm ơn ông !

Theo "Báo điện tử Công an TP Đà Nẵng"


TRỤ SỞ:

     Lô A17, đường Trung tâm, Khu công nghệ cao, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng

    0236 3666117           

    dhpiza@danang.gov.vn

   Điện thoại bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và Trả kết quả cho công dân, tổ chức: 0236.3666100.

©© Bản quyền của Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng

Giấy phép: Số 05/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cấp ngày 02/01/2020

Trưởng Ban biên tập: Trần Văn Tỵ, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng

Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng" hoặc "www.dhpiza.danang.gov.vn" khi trích dẫn lại thông tin từ Website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Đăng nhập