Tìm kiếm
Phương pháp tiếp cận và khả năng ứng dụng Công cụ đánh giá trực tuyến cho các doanh nghiệp khởi nghiệp từ 1-3 năm tại Việt Nam
Người đăng tin: Thời Phước Hồ Ngày đăng tin: 28/05/2021 Lượt xem: 291


Tác giả: Trần Thị Như Quý, Nhà tư vấn Phát triển doanh nghiệp, Nguyên Giám đốc Chương trình ươm tạo, Nguyên Giám đốc Khu không gian làm việc chung DNC, Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng. 

Với sự hỗ trợ của: Ông Võ Duy Khương, Chủ tịch HĐTV DNES; Ông Trần Trí Dũng, Chuyên gia Chương trình Hỗ trợ khởi nghiệp SWISS EP; Ông Trần Huỳnh Vương Thiện Quang, Giám đốc Công ty Tư vấn Thiết kế và Xây dựng CMI Architects; Bà Trần Thị Thanh Thủy, Chuyên viên Marketing Công ty Đào tạo lập trình CodeGym Đà Nẵng; Ông Dominic Mellor, Chuyên gia đầu tư, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB); Ông Huỳnh Minh Nhật, Nguyên Trưởng Văn phòng đại diện Cục sở hữu trí tuệ tại Đà Nẵng; Ông Bùi Minh Tú, Chuyên gia Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Ông Valto Loikkanen, CEO Qũy Grow VC Phần Lan; Bà Trương Thị Bích Hồng, Nguyên Quản lý vận hành Vườn ươm Sông Hàn; Ông Võ Đức Anh, Phó Trưởng phòng Quản lý công nghệ, Sở Khoa học công nghệ Đà Nẵng, cùng nhiều anh chị doanh nhân, nhà đầu tư, nhà phát triển chính sách khác.

1. Sản phẩm nghiên cứu 

Công cụ đánh giá trực tuyến cho các doanh nghiệp khởi nghiệp từ 1-3 năm giúp các doanh nghiệp có thể tự đánh giá tổng quan những vấn đề cốt lõi của doanh nghiệp, qua đó giúp chủ doanh nghiệp nhận diện được những vấn đề cần phải cải thiện nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.

2. Tổng quan về Công cụ đánh giá trực tuyến cho các doanh nghiệp khởi nghiệp từ 1-3 năm

Số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp (startups) của Việt Nam hiện nay đã tăng trưởng 'phi thường' từ 400 vào năm 2012 lên gần 1.800 vào năm 2015 và 3.000 trong năm 2017. Việt Nam đang đứng thứ ba ở Đông Nam Á về số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp (Austrade, 2019). Tuy nhiên trong đó có tới hơn 80% Startup không thể duy trì quá 2 năm và chỉ 3% là có các thành công trong thực tế, được đầu tư. Tại Đà Nẵng thì có tới 82.5% thất bại sau năm thứ hai theo số liệu của Chương trình ươm tao Finc. DNES (2020). Một trong những nguyên nhân khách quan là do những hạn chế trong việc tiếp cận của startups đến sự hỗ trợ tư vấn từ các chuyên gia trong ngành cũng như các chương trình, định hướng ngay từ giai đoạn đầu. 

Vậy tất cả các ý tưởng kinh doanh và các startups khi mới bắt đầu gia nhập thị trường làm thế nào để:

- Tự đánh giá được năng lực? tự nhận diện được những yếu tố then chốt cần thực hiện ở giai đoạn đầu? họ đang mắc phải  những nguyên nhân, vấn đề nào dẫn đến thất bại như 90% các startups khác? làm thế nào để họ rút ra bài học kinh nghiệm để khởi nghiệp lại hoặc chuyển sang thị trường nhân sự cao cấp cho các doanh nghiệp khác?  

- Có cái nhìn tổng quan và khách quan hơn về hiện trạng startups từ nhiều góc nhìn khác nhau: từ các bộ phận nhân viên cấp thấp, cho đến cấp quản lý và lãnh đạo cấp cao

- Kết nối với khách hàng, đối tác, nhà cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư

- Chuẩn bị trước các câu trả lời và đạt được những thỏa thuận hợp lý với khách hàng, đối tác, nhà cung cấp dịch vụ và các nhà đầu tư.

Hiện nay phương pháp chủ yếu các startups lựa chọn là, hoặc tham gia các Vườn ươm với các tiêu chí đánh giá riêng, hoặc tìm kiếm mentors hỗ trợ. Tuy nhiên hai phương pháp này cũng có tính hạn chế về mức độ tiếp cận. Ông Trần Trí Dũng - Chuyên gia Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp Thụy Sĩ Swiss EP tại Việt Nam cho biết, việc xây dựng hệ sinh thái cho khởi nghiệp tại Việt Nam trong các năm qua giúp nhiều vườn ươm và quỹ đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển, tuy vậy vẫn chỉ tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và TP.Hồ Chí Minh, nên vẫn còn nhiều các startup địa phương vẫn đang loay hoay tìm kiếm và tiếp cận mentor (cố vấn), chuyên gia để tìm ra giải pháp đổi mới sáng tạo (2019). Thêm vào đó, ngay tại các vườn ươm và quỹ đầu tư hiện nay cũng chỉ có đủ nguồn lực để hỗ trợ tư vấn một số lượng startups có hạn và hầu hết đều chỉ tập trung vào những startups đã có sản phẩm prototype, mô hình kinh doanh và bước đầu tạo lợi nhuận, hơn là hỗ trợ, định hướng các ý tưởng kinh doanh và startup khi bắt đầu gia nhập thị trường (Finc, 2020). Tỷ lệ chấp nhận vào vườn ươm DNES chỉ có 16% (Finc, 2020). 


Vì vậy, một trong những giải pháp cho vấn đề trên mà chúng tôi đang nghiên cứu là phát triển Công cụ đánh giá trực tuyến cho doanh nghiệp mới khởi nghiệp từ 1-3 năm tại Việt Nam. Bài viết này nhằm đánh giá tính mới, tính khoa học và mức độ khả thi trong việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng thực tiễn công cụ này. 

(Giải thích từ ngữ: * Đánh giá là để đo lường, kiểm tra sự sẵn sàng của các doanh nghiệp khởi nghiệp đối với sự cạnh tranh thị trường).

3. Một số lợi ích của công cụ đánh giá doanh nghiệp trực tuyến

Đối với startups: việc phát triển công cụ tự động sẽ giúp cho việc đánh giá startups trở nên dễ tiếp cận hơn, nhanh hơn, dễ dàng hơn, tiết kiệm chi phí hơn và theo kiểu tự phục vụ hơn, đồng thời nâng cao cơ hội startups tiếp cận chuyên gia tư vấn, nhà đầu tư phù hợp. Đặc biệt là giúp cho các startup địa phương, những người thiếu cơ hội tiếp cận mentor (cố vấn), chuyên gia, chưa muốn hoặc không đủ điều kiện tham gia các chương trình tăng tốc, ươm tạo

Đối với các vườn ươm, chương trình tiền ươm tạo, tăng tốc: có thêm một công cụ đánh giá startups trên nền tảng trực tuyến, tận dụng sự phát triển của công nghệ số để thu thập cơ sở dữ liệu, các loại thông tin của startups để ươm tạo và kết nối thương mại, dịch vụ, đầu tư giữa các startups, các nhà cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư và các cơ quan chính quyền liên quan trong nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau

Đối với nhà đầu tư: có một cơ sở đánh gía startups ban đầu tin cậy để tiếp cận các dự án khởi nghiệp tiềm năng 

Đối với lĩnh vực khoa học có liên quan: đóng góp vào việc xây dựng tiêu chuẩn tiêu chí đánh giá stratups quốc gia; đóng góp sáng tạo trong việc đánh giá doanh nghiệp tại Việt Nam, từ kết quả nghiên cứu triển tạo ra công cụ mới để hướng dẫn startups đánh giá online

Lợi ích cho sự phát triển khu vực: công cụ giúp cải thiện số lượng và chất lượng của startups, từ đó giúp tăng cường phát triển kinh tế xã hội trong tương lai ở Đà Nẵng và khu vực miền Trung của việt nam

Đặc biệt công cụ đánh giá trực tuyến giúp đối phó với các rủi ro như đại dịch Covid19 vừa qua, tránh ngắt gãy quá trình kinh doanh, ươm tạo, đầu tư nếu không thể offline.

4. Thực trạng phát triển và sử dụng các công cụ đánh giá doanh nghiệp trực tuyến

Hiện nay ở Việt nam vẫn chưa có một công cụ trực tuyến hướng dẫn startups cách tự đánh giá năng lực khi mới bắt đầu gia nhập thị trường.  Trong khi đó, trên thế giới đã có nhiều công cụ trực tuyến hỗ trợ doanh nghiệp/startups tự đánh giá, nâng cao cơ hội tiếp cận của startups đến kiến thức, chuyên gia tư vấn và nhà đầu tư  như Equidam (Europe, US), Action Coach (Australia, US), key2investors (Austria), Startup Common (Finland), AngelBot (Canada), Valutico (Singapore), …Ở Việt Nam đã có một số công cụ đánh giá/định giá doanh nghiệp trực tuyến như: smecare, b3shark, tuy nhiên vẫn chưa có một công cụ chất lượng uy tín cho các doanh nghiệp khởi nghiệp từ 1-3 năm. 

Khi tham gia đợt khảo sát về các phương pháp mà doanh nghiệp khởi nghiệp sử dụng để tự đánh giá giai đoạn đầu, thì 2/10 doanh nghiệp chọn phương pháp hỏi ý kiến khách hàng, 2/10 chọn nhờ mentor, chuyên gia tư vấn; 2/10 doanh nghiệp chọn tham gia các chương trình ươm tạo, tăng tốc và 4/10 doanh nghiệp khởi nghiệp đang tìm một công cụ hướng dẫn doanh nghiệp tự đánh giá và có báo cáo đánh giá sau đó (2020).

Để phát triển được một công cụ đánh giá trực tuyến thì điều kiện cần đầu tiên là phát phát triển được một (01) bộ chỉ số đo lường hiệu quả hoạt động startups giai đoạn đầu: đánh giá định lượng thông qua bộ chỉ số và các kích thước. Bộ tiêu chí này sẽ lãnh hội, lấy ý kiến từ kinh nghiệm và dữ liệu của các nhiều vườn ươm, tổ chức hỗ trợ startups, chuyên gia, nhà đầu tư uy tín tại Việt Nam. Một số bộ tiêu chí đánh giá uy tín hiện nay mà chúng tôi đã tổng hợp được là là bộ tiêu chí đánh giá startups của Đề án 844 (Bộ Khoa học công nghệ), Chương trình ươm tạo DNES, Ngân hàng phát triển châu Á ADB,.. Dựa vào bộ tiêu chí đánh giá đó để phát triển sản phẩm MVP công cụ đánh giá trực tuyến. Công cụ này sẽ cho ra kết quả đánh giá định lượng thông qua bộ chỉ số và các kích thước, biểu đồ để startups hình dung trực quan về hiện trạng năng lực của chính mình.

5. Khả năng ứng dụng của công cụ

Một số địa chỉ mà chúng tôi nghĩ rằng có thể quan tâm và muốn tiếp tục nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công cụ này là:

- Các chương trình tiền ươm tạo của các trường Đại học như Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh, Trường Đại học Công nghệ thông tin & Truyền thông Việt - Hàn 

- Các nền tảng công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp: smecare, madeindanang.com, onebox

- Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao của Khu công nghệ cao Đà Nẵng

- Cổng thông tin hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Đà Nẵng (theo kế hoạch 370/UBND-KGVX).

6. Thay lời kết

Như vậy với các kết quả nghiên cứu trên, tôi cho rằng việc nghiên cứu và phát triển Công cụ đánh giá trực tuyến doanh nghiệp mới khởi nghiệp sẽ là một trong những giải pháp mới và tiềm năng để giúp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp dễ dàng hơn trong việc tự đánh giá năng lực cạnh tranh của mình. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết đảm bảo cho sự thành công của công cụ là phải xây dựng được một bộ chỉ số đo lường chất lượng và uy tín. 

Công cụ này khi ứng dụng tích hợp với fanpage, website, cổng thông tin của tổ chức sẽ thu hút nhiều người tham gia sử dụng hơn, từ đó nâng cao giá trị của fanpage, website, cổng thông tin của các tổ chức. Đồng thời giúp các cơ quan, tổ chức khảo sát nhanh thực trạng của các startups. làm cơ sở để giúp tổ chức, chính quyền thành phố xây dựng chính sách và giải pháp hỗ trợ, phát triển startups phù hợp với nhu cầu và thực trạng của startup, những lĩnh vực nào startups đang khó khăn, cần hỗ trợ nhất. Từ đó giúp cải thiện số lượng và chất lượng của startups nói chung tại thành phố ./.

Trần Thị Như Qúy 

 

 


TRỤ SỞ:

     Lô A17, đường Trung tâm, Khu công nghệ cao, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng

    0236 3666117           

    dhpiza@danang.gov.vn

   Điện thoại bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và Trả kết quả cho công dân, tổ chức: 0236.3666100.

©© Bản quyền của Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng

Giấy phép: Số 05/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cấp ngày 02/01/2020

Trưởng Ban biên tập: Trần Văn Tỵ, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng

Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng" hoặc "www.dhpiza.danang.gov.vn" khi trích dẫn lại thông tin từ Website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Đăng nhập