Tìm kiếm
THÍ ĐIỂM MÔ HÌNH XÂY DỰNG ĐÀ NẴNG TRỞ THÀNH TRUNG TÂM ĐỔI MỚI SÁNG TẠO, KHỞI NGHIỆP
Người đăng tin: Thủy Thị Ngọc Đoàn Ngày đăng tin: 07/05/2019 Lượt xem: 45

Sáng ngày 02/05/2019, tại Trung tâm Hành chính thành phố Đà Nẵn, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã phối hợp với Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ tổ chức Tọa đàm “Cơ chế, chính sách thí điểm nhằm thúc đẩy sáng tạo, khởi nghiệp tại Khu CNC Đà Nẵng nói riêng, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nói chung” dưới sự chủ trì của TS. Vũ Viết Ngoạn - nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, TS. Trần Du Lịch - thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung và TS. Hồ Kỳ Minh - Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng.


Chủ trì Tọa đàm. (Ảnh: Văn Minh)

Tọa đàm nằm trong kế hoạch thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Công văn số 3370/VPCP-KGVX ngày 12/4/2018 về việc nghiên cứu xây dựng phương án nâng cao tính năng sáng tạo, khởi nghiệp, thực hiện thí điểm tại Khu CNC Đà Nẵng.

Với gần 60 đại biểu tham dự là đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan; lãnh đạo Đại học Đà Nẵng, các trường đại học, cao đẳng và các cơ sở đào tạo, các chuyên gia Nhóm tư vấn hợp tác phát triển Vùng Duyên hải miền Trung, các nhà khoa học, các lãnh đạo doanh nghiệp (CMC, BK-Holdings, Trung Nam Group, VinaCapital…), nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp, vườn ươm và các câu lạc bộ khởi nghiệp, tọa đàm tập trung thảo luận đề xuất về các cơ chế, chính sách và giải pháp nâng cao tính năng sáng tạo, khởi nghiệp tại Khu CNC Đà Nẵng nói riêng, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nói chung.

Toàn cảnh Tọa đàm. (Ảnh: Văn Minh)

Phát biểu khai mạc, TS. Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh: việc nâng cao tính năng sáng tạo, khởi nghiệp đã trở thành là yếu tố tất yếu trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; là động lực để các quốc gia đang phát triển rút ngắn khoảng cách và tiệp cận với trình độ của các nước phát triển trên thế giới. Tuy nhiên thực tế phải nhìn nhận rằng rào cản lớn nhất của Việt Nam đối với đổi mới sáng tạo vẫn là khuôn khổ thể chế, chính sách để hình thành hệ sinh thái tạo điều kiện cho việc ra đời và nuôi dưỡng các ngành công nghiệp công nghệ mới. Hiện nay một số chính sách và các hoạt động hỗ trợ (quỹ, đề án, chương trình,...) đã được triển khai trên phạm vi toàn quốc, với mục tiêu hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) nhưng nhìn chung các chính sách hỗ trợ phát triển chưa đủ mạnh để tạo sự bứt phá mạnh mẽ trong hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Với quyết tâm thực hiện mục tiêu xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo theo tinh thần của Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ chính trị đồng thời xây dựng Khu Công nghệ cao Đà Nẵng trở thành một khu Công nghệ cao đẳng cấp quốc tế theo mô hình hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, việc đề xuất, thiết lập những cơ chế, chính sách đột phá phù hợp với những yêu cầu, điều kiện hiện nay của thành phố Đà Nẵng là rất cần thiết.
Mở đầu buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo “Hiện trạng và đề xuất phương án thí điểm các cơ chế, chính sách nâng cao tính năng sáng tạo, khởi nghiệp tại thành phố Đà Nẵng”. Theo TS. Nguyễn Đình Cung, 6 thành phần cần có của một hệ sinh thái ĐMST hoàn chỉnh bao gồm: chính quyền; các nhà khởi nghiệp công nghệ/doanh nhân; các trung tâm nghiên cứu/các trường đại học; các nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm; chương trình ươm tạo, tăng tốc khởi nghiệp; các công ty công nghệ lớn. Báo cáo chỉ ra một số mặt hạn chế của hệ sinh thái ĐMST tại thành phố Đà Nẵng như: số lượng cũng như chất lượng doanh nhân khởi nghiệp ĐMST và startup - chủ thể chính của hệ sinh thái không cao, tinh thần  và văn hóa khởi nghiệp ĐMST trong cộng đồng và trong trường đại học chưa mạnh mẽ. Mặt khác các trường đại học, viện nghiên cứu ít ưu tiên cho đào tào khởi nghiệp, ĐMST cũng như thiếu các chương trình đào tạo mới, cần thiết như: phân tích dữ liệu; trí tuệ nhân tạo; IoT, v.v. Hiện chưa có doanh nghiệp thật sự quan tâm đầu tư vào việc khai thác các tài sản công nghệ (kết quả nghiên cứu, cán bộ giảng dạy nghiên cứu, trang thiết bị nghiên cứu…) và khởi nghiệp ĐMST tại các trường đại học và viện nghiên cứu. Mặc dù Đà Nẵng đã có một số mô hình ươm tạo (6 vườn ươm), đã có một số dự án ươm tạo thành công, gọi được vốn tuy nhiên quy mô hạn chế do thiếu nguồn lực và thiếu các dự án đầu vào, thiếu các chuyên gia tư vấn, huấn luyện để hỗ trợ startup về các lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Trong khi đó, các nhà đầu tư mạo hiểm, đầu tư thiên thần chưa coi Đà Nẵng là thị trường tiềm năng, nguồn vốn đầu tư nhà nước nhỏ lẻ và phân tán. Về các chính sách đang triển khai tại thành phố chưa có đột phá, chưa đủ mạnh, chưa toàn diện dẫn đến khó thu hút nhân tài, startup và nhà đầu tư; mỗi cơ quan thực hiện một hoạt động, khó theo dõi, giám sát và phối hợp.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo. (Ảnh: Văn Minh)

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt hạn chế, Đà Nẵng có những điều kiện cần thiết như môi trường sống tốt, vị trí địa lý chính trị xã hội chiến lược của nước và Đông Nam Á để trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp mang tầm khu vực. Ý kiến nhận được sự đồng tình cao của TS. Vũ Viết Ngoạn và TS. Trần Du Lịch chủ trì Tọa đàm.

Qua phần phân tích thực trạng, TS. Nguyễn Đình Cung đề xuất thành phố Đà Nẵng nên xây dựng một mô hình Trung tâm điều hành quản lý hệ sinh thái ĐMST cho toàn thànhphố . Đơn vị quản lý hệ sinh thái ĐMST này có thể trực tiếp hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ các đối tác thực hiện chức năng hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST, hỗ trợ chuyển giao và ứng dụng công nghệ, thương mại hóa các công nghệ được phát triển từ hệ sinh thái ĐMST thành phố Đà Nẵng và nơi khác và là đầu mối, cơ chế một cửa thực hiện các thủ tục hành chính cho các thành viên. Trung tâm ĐMST này có thể là đợn vị sự nghiệp nhưng hoạt động  theo cơ chế doanh nghiệp không bị ràng buộc bởi các quy định thu, chi khu vực công. Đặc biệt Trung tâm được áp dụng chính sách ưu đãi cao nhất về về thuế TNDN và thuế TNCN và một số cơ chế đặc biệt khác.

Tham gia xây dựng góp ý xây dựng mô hình Trung tâm điều hành quản lý hệ sinh thái ĐMST tại Đà Nẵng, Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và công nghệ, cũng đề xuất áp dụng một số cơ chế đặc thù và khuyến khị như: Cơ chế đặc thù cho phép triển khai đối ứng vốn vay, bảo lãnh vốn đầu tư từ Quỹ phát triển KH&CN của Thành phố cùng các quỹ đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; Cơ chế ưu đãi về thủ tục đầu tư đơn giản cho các nhà đầu tư đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo do Trung tâm bảo lãnh/chứng nhận; cho phép các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo do Trung tâm chứng nhận/bảo lãnh được phép thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ mới trong khuôn khổ thỏa thuận với Trung tâm; Cho phép Trung tâm khai thác các cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, … hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển sản phẩm mẫu,; Cơ chế phối hợp giữa các đơn vị cho phép Trung tâm là đầu mối cung cấp cơ sở dữ liệu về tài sản trí tuệ, phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích, kết quả nghiên cứu khoa học để cá nhân, tổ chức khai thác, phát triển sản phẩm, dịch vụ mới.

Trao đổi tại Tọa đàm, TS. Võ Duy Khương, Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng – một trong những người rất tâm huyết với hoạt động khởi nghiệp tại thành phố cũng chia sẻ thêm về những khó khăn hiện nay mà Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng đối mặt, qua đó đề xuất lãnh đạo thành phố sớm hình thành Trung tâm ĐMST mang tầm vóc quốc gia có thể quản lý bởi một đơn vị sự nghiệp được đảm bảo một phần ngân sách và đề nghị chính quyền cần có chính sách và sự quan tâm xuyên suốt, nhất quán trong vấn đề đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp.

TS. Võ Duy Khương, Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng phát biểu tại Tọa đàm. (Ảnh: Ngô Huyền)

TS. Nguyễn Trung Dũng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ Bách Khoa Hà Nội (BK-Holdings), Đại học Bách khoa Hà Nội, cho rằng, mỗi trung tâm đổi mới sáng tạo của từng vùng hay của mỗi quốc gia, phải có mô hình mang tính chất đặc thù, riêng biệt, khổng thể sao chép giống hệt bất kỳ mô hình nào có sẵn trong nước hay quốc tế, bởi tất cả điều kiện đầu vào của từng địa phương là hoàn toàn khác nhau.

Theo Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC cho rằng chính quyền nên mạnh dạn cho tư nhân để phát triển kinh tế số, đồng thời cho biết rằng tập đoàn CMC đang nghiên cứu chiến lược xây dựng mô hình Digital City cho một số thành phố lớn của Việt Nam trong đó thành phố Đà Nẵng là một trong những địa bàn được CMC ưu tiên đầu tư.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực nghiên cứu, TS. Huỳnh Thế Du, Trường Đại học Fulbright Việt Nam, thành viên Nhóm Tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung kiến nghị để thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho thành phố Đà Nẵng, chính quyền thành phố nên nghiên cứu xây dựng “Hội đồng cạnh tranh thành phố” bao gồm nhà nước – doanh nghiệp – và chuyên gia, những người có uy tín, tiếng nói trong cộng đồng nhằm tìm ra vướng mắc, mâu thuẫn, hướng đi thích hợp để hình thành môi trường kinh doanh, đổi mới sáng tạo đặc trưng cho Đà Nẵng.

Bằng tinh thần khoa học cởi mở, chân thành, các đại biểu tham dự tọa đàm đã tích cực phát biểu và đóng góp ý kiến liên quan đề xuất mô hình Trung tâm ĐMST cấp quốc gia tại thành phố Đà Nẵng.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh phát biểu tổng kết tọa đàm. (Ảnh: Ngô Huyền)

Tổng kết Tọa đàm, TS. Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến phát biểu rất tâm huyết của các đại biểu đồng thời nhấn mạnh đây là cơ sở hữu ích để thành phố bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp tại Đà Nẵng trong thời gian đến. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh thống nhất hoàn thiện một đề án chung về xây dựng Đà Nẵng thành đô thị đổi mới sáng tạo, không chỉ áp dụng riêng đối với Khu công nghệ cao Đà Nẵng, qua đó đề nghị Ban Quản lý Khu CNC và các KCN Đà Nẵng khẩn trương cùng Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các chuyên gia Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ hoàn thiện đề án để sớm trình Chính phủ. Hiện Ban Quản lý Khu CNC và các KCN Đà Nẵng đang hoàn thiện báo cáo kết quả tọa đàm trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét và quyết định.

Hồng Hải - Phòng QLMT,KHCN&ƯT - Ban Quản lý


TRỤ SỞ:

     Lô A17, đường Trung tâm, Khu công nghệ cao, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng

    0236 3666117           

    dhpiza@danang.gov.vn

   Điện thoại bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và Trả kết quả cho công dân, tổ chức: 0236.3666100.

©© Bản quyền của Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng

Giấy phép: Số 05/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cấp ngày 02/01/2020

Trưởng Ban biên tập: Trần Văn Tỵ, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng

Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng" hoặc "www.dhpiza.danang.gov.vn" khi trích dẫn lại thông tin từ Website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Đăng nhập