Tìm kiếm
Nhiều điểm mới trong Nghị định số 40/2019/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường
Người đăng tin: Thủy Thị Ngọc Đoàn Ngày đăng tin: 15/07/2019 Lượt xem: 1469

Sáng ngày 06/7/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng phối hợp với Vụ pháp chế - Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức buổi tập huấn về Nghị định 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường. Nghị định chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2019.


(Ông Lương Duy Hanh (đứng) - Vụ Pháp chế giới thiệu các điểm mới của Nghị định 40/2019/NĐ-CP)

          Trao đổi tại buổi tập huấn, Ông Lương Duy Hanh - Vụ Pháp chế cho biết Nghị định 40/2019/NĐ-CP đã được xây dựng, hoàn thiện trên tinh thần quán triệt, bám sát ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường và các văn bản liên quan, đặc biệt là nhấn mạnh quan điểm “không phát triển kinh tế bằng mọi giá; không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”, đổi mới phương thức quản lý môi trường “từ bị động giải quyết sang chủ động phòng ngừa” với nhiều quy định mới, đột phá nhằm từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững. Theo đó, việc ban hành Nghị định 40/2019/NĐ-CP đánh dấu bước chuyển biến mới trong quản lý môi trường tại Việt Nam.

          1. Chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”

          Nghị định 40/2019/NĐ-CP đã cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính (TTHC), cắt giảm điều kiện kinh doanh (ĐKKD), chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” như: Bãi bỏ và cắt giảm trên 25 TTHC và ĐKKD, đặc biệt là xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, công khai minh bạch, phân cấp mạnh mẽ cho địa phương và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp; Lồng ghép một số TTHC trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, khoáng sản, biển và hải đảo; Giảm thời gian thực hiện TTHC từ 15-25 ngày; Thay đổi phương thức kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu nhập khẩu theo Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 03/02/2019 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

          Nghị định gồm 07 điều, sửa đổi, bổ sung các Nghị định sau:

          - Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và kế hoạch bảo vệ môi trường: sửa đổi các quy định liên quan đến Đánh giá môi trường chiến lược; lập, thẩm định đánh giá tác động môi trường; vận hành thử nghiệm; Kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường; kế hoạch bảo vệ môi trường; Phương án (PA) cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản; Sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các điều về quản lý chất lượng môi trường (đất, nước, không khí, quan trắc môi trường,…) để phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường (BVMT); Sửa đổi, bổ sung các quy định, điều kiện về BVMT trong phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng.

          - Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày14/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường: sửa đổi, bổ sung về: xác nhận hệ thống quản lý môi trường; Cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (ONMTNT) là cơ sở có hành vi vi phạm về xả nước thải, thải bụi, khí thải, gây ô nhiễm tiếng ồn, độ rung vượt QCVN hoặc chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn, chất thải nguy hại trái quy định về BVMT, đến mức bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động; quy định liên quan đến Quỹ bảo vệ môi trường, ưu đãi bảo vệ môi trường.

          - Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ quy định về quản lý chất thải và phế liệu: sửa đổi, bổ sung: Bỏ các quy định hồi tố được sử dụng bản kê khai, cam kết, kế hoạch, đề án BVMT,… để lập hồ sơ xin cấp Giấy phép xử lý, đồng xử lý chất thải nguy hại; sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý chất thải sinh hoạt và chất thải công nghiệp thông thường; Cụ thể hóa một số quy định của Nghị quyết số 09/NQ-CP về việc giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, thống nhất quản lý nhà nước về chất thải; Tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải công nghiệp thông thường làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng và sử dụng trong các công trình xây dựng nếu phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc hướng dẫn kỹ thuật; Cơ sở xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp thông thường phải áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo TCVN ISO 14001; sửa đổi quy định về quản lý nước thải; Công trình phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường phải được quy định trong ĐTM hoặc được chấp thuận bổ sung nếu trong báo cáo ĐTM chưa có công trình này; sửa đổi bổ sung quy định về quan trắc, cấp phép xả nước thải, khí thải; về quản lý chất thải đặc thù, quản lý phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.

          - Nghị định số 127/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ quy định điều kiện của tổ chức hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường: sửa đổi bổ sung về: điều kiện để cấp Giấy chứng nhận: “Có Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm phù hợp với lĩnh vực môi trường được cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp;”; Thay đổi nội dung liên quan đến điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường cho phù hợp với thực tiễn và lĩnh vực quản lý về môi trường; Bãi bỏ một số ĐKKD không cần thiết và không thuộc phạm vi quản lý của ngành tài nguyên và môi trường.

          2. Một dự án chỉ có một báo cáo đánh giá tác động môi trường

          Nghị định 40/2019/NĐ-CP bổ sung thêm nội dung quy định số lượng và thời điểm lập báo cáo đánh giá tác động môi trường vào Điều 14 Nghị định 18/2015/NĐ-CP. Cụ thể, một dự án đầu tư chỉ lập một báo cáo đánh giá tác động môi trường.

          a) Thời gian lập và thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường

          Nghị định bổ sung thêm nội dung quy định số lượng và thời điểm lập báo cáo đánh giá tác động môi trường vào Điều 14, Nghị định 18/2015/NĐ-CP. Cụ thể, một dự án đầu tư chỉ lập một báo cáo đánh giá tác động môi trường.Chủ dự án trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường trước các thời điểm sau đây: Đối với dự án khai thác khoáng sản, trình trước khi cơ quan có thẩm quyền thẩm định để cấp, điều chỉnh giấy phép khai thác khoáng sản. Đối với dự án thăm dò, khai thác dầu khí, trình trước khi cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt kế hoạch thăm dò, kế hoạch phát triển mỏ. Đối với dự án đầu tư xây dựng, trình trước khi cơ quan có thẩm quyền thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế - kỹ thuật hoặc thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công (trường hợp dự án chỉ yêu cầu thiết kế một bước). Trường hợp dự án có cùng một cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và thẩm định thiết kế cơ sở hoặc thiết kế bản vẽ thi công, các hồ sơ nêu trên được trình đồng thời để thẩm định theo quy định. Các dự án khác không thuộc đối tượng quy định trên, trình trước khi quyết định đầu tư dự án.

          Bên cạnh đó, Nghị định 40/2019/NĐ-CP nêu rõ hơn về thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án quy định Phụ lục III Mục I ban hành kèm theo Nghị định 40/2019/NĐ-CP, trừ các dự án thuộc bí mật quốc gia, an ninh. Bộ, cơ quan ngang bộ tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án thuộc thẩm quyền quyết định phê duyệt đầu tư của mình, trừ các dự án thuộc Phục lục III Mục I ban hành kèm theo Nghị định 40/2019/NĐ-CP. Trường hợp bộ, cơ quan ngang bộ không có cơ quan chuyên môn về môi trường để thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường thì bộ, cơ quan ngang bộ gửi văn bản tới Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND cấp tỉnh nơi thực hiện dự án để lấy ý kiến trước khi xem xét, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án thuộc bí mật quốc phòng, an ninh và các dự án thuộc thẩm quyền quyết định phê duyệt đầu tư của mình, trừ các dự án thuộc Phụ lục III Mục I ban hành kèm theo Nghị định 40/2019/NĐ-CP. UBND cấp tỉnh tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư trên địa bàn không thuộc đối tượng được các cơ quan chức năng trên thẩm định.

          b) Nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường

          Nghị định 40/2019/NĐ-CP bổ sung chi tiết các nội dung chính trong báo cáo ĐTM; theo đó:

         - Đối với dự án mở rộng quy mô, nâng công suất hoặc thay đổi công nghệ của cơ sở, khu công nghiệp đang hoạt động, trong báo cáo đánh giá tác động môi trường phải có thêm một phần đánh giá về tình hình hoạt động và thực hiện công tác bảo vệ môi trường của cơ sở, khu công nghiệp hiện hữu; đánh giá tổng hợp tác động môi trường của cơ sở, khu công nghiệp hiện hữu và dự án mở rộng quy mô, nâng công suất hoặc thay đổi công nghệ của dự án mới.

          - Đối với các dự án đầu tư xây dựng khu công nghiệp và các dự án thuộc loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, trong báo cáo đánh giá tác động môi trường phải có phương án phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường đối với khí thải; phương án phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường đối với nước thải theo quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP.

          - Đối với dự án khai thác cát, sỏi và khoáng sản khác trên sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa và vùng cửa sông, ven biển phải có nội dung đánh giá tác động tới lòng, bờ, bãi sông theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước…

          - Các biện pháp xử lý chất thải, đối với dự án đầu tư xây dựng có công trình xử lý chất thải để thẩm định về môi trường phải có phần thuyết minh và phương án thiết kế cơ sở (đối với dự án có nhiều bước thiết kế) hoặc phương án thiết kế bản vẽ thi công của công trình, hạng mục công trình xử lý chất thải theo quy định của pháp luật về xây dựng; có phương án phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường trong quá trình thi công xây dựng, vận hành thử nghiệm và khi dự án đi vào vận hành; chương trình quản lý và giám sát môi trường được thực hiện trong giai đoạn thi công xây dựng dự án; dự kiến chương trình quản lý và quan trắc môi trường trong quá trình vận hành thử nghiệm và khi dự án đi vào vận hành…

(Ông Lương Duy Hanh (phải) và Ông Phạm Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Môi trường Miền trung và Tây nguyên giải đáp các thắc mắc tại buổi tập huấn)

          3. Bổ sung, thay đổi các danh mục

          Nghị định 40/2019/NĐ-CP cũng bổ sung Danh mục các loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Theo đó, danh mục các loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường được chia thành 3 nhóm:

          - Nhóm I gồm: khai thác, làm giàu quặng khoáng sản độc hại; luyện kim; tinh chế, chế biến khoáng sản độc hại; phá dỡ tàu biển; sản xuất giấy, bột giấy, ván sợi (MDF, HDF); sản xuất hoá chất, phân bón hóa học (trừ loại hình phối trộn); thuốc bảo vệ thực vật hóa học; nhuộm (vải, sợi), giặt mài; thuộc da; lọc hóa dầu; nhiệt điện than, sản xuất than cốc, khí hóa than, điện hạt nhân.

          - Nhóm II gồm: xử lý, tái chế chất thải; sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; có công đoạn xi mạ, làm sạch bề mặt kim loại bằng hóa chất; sản xuất pin, ắc quy; sản xuất clinker.

          - Nhóm III gồm: chế biến mủ cao su; chế biến tinh bột sắn; bột ngọt; bia, rượu, cồn công nghiệp; chế biến mía đường; chế biến thủy sản, giết mổ gia súc, gia cầm; sản xuất linh kiện, thiết bị điện, điện tử.

          Bên cạnh đó, bổ sung, thay mới danh mục dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường. Dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường gồm 107 loại được chia thành nhóm đặc biệt do quy mô và chính sách môi trường như các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hay Dự án đầu tư xây dựng sử dụng đất rừng và 18 nhóm dự án về xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng; giao thông; năng lượng, phóng xạ; điện tử; thủy lợi, khai thác rừng, trồng trọt; khai thác, chế biến khoáng sản; khai thác tài nguyên nước; dầu khí; xử lý, tái chế chất thải; cơ khí, luyện kim; chế biến gỗ, sản xuất thủy tinh, gốm sứ; sản xuất, chế biến thực phẩm; chế biến nông sản; chăn nuôi và chế biến thức ăn chăn nuôi; sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; hóa chất, dược phẩm, mỹ phẩm nhựa, chất dẻo; sản xuất giấy và văn phòng phẩm; dệt nhuộm và may mặc.

          Theo ông Lương Duy Hanh, Nghị định 40/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019, do đó, các hồ sơ đã được tiếp nhận trước ngày Nghị định này có hiệu lực (trừ các điều, khoản chuyển tiếp quy định tại Điều 22, Nghị định số 18/2015/NĐ-CP và Điều 64, Nghị định số 38/2015/NĐ-CP) tiếp tục được giải quyết theo quy định của các Nghị định tại thời điểm tiếp nhận, trừ trường hợp tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ có yêu cầu thực hiện theo quy định của Nghị định này./.

Phòng QLMT-KHCN&ƯT-Ban Quản lý


TRỤ SỞ:

     Lô A17, đường Trung tâm, Khu công nghệ cao, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng

    0236 3666117           

    dhpiza@danang.gov.vn

   Điện thoại bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và Trả kết quả cho công dân, tổ chức: 0236.3666100.

©© Bản quyền của Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng

Giấy phép: Số 05/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cấp ngày 02/01/2020

Trưởng Ban biên tập: Trần Văn Tỵ, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng

Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng" hoặc "www.dhpiza.danang.gov.vn" khi trích dẫn lại thông tin từ Website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Đăng nhập