Tìm kiếm
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC PHỤC VỤ KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO TẠI KHU CÔNG NGHỆ CAO ĐÀ NẴNG
Người đăng tin: Trung tâm Dịch vụ tổng hợp Ngày đăng tin: 16/01/2020 Lượt xem: 335


Trong công cuộc đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực được coi là một trong ba khâu đột phá của chiến lược nền tảng phát triển bền vững phục vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Khái quát về nguồn nhân lực phục vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Nguồn nhân lực khởi nghiệp sáng tạo gồm 2 thành phần chính là chủ thể thực hiện khởi nghiệp và các nhà cung cấp nguồn lực khởi nghiệp

 

Những chủ thể khởi nghiệp là những chủ thể tiến hành khởi nghiệp trong hệ sinh thái bao gồm các doanh nghiệp còn non trẻ ở giai đoạn tiền khởi nghiệp và cả những doanh nghiệp đã có kinh nghiệm tham gia vào các dự án mạo hiểm mới. Đặc biệt là nguồn nhân lực dự bị còn đang ngồi trên ghế nhà trường, sẽ là nguồn nhân lực chất lượng và đầy tiềm năng trong tương lai. Hiện Đại học Đà Nẵng có các đơn vị thành viên: Đại học Bách Khoa; Đại học Kinh tế; Đại học Sư phạm; Đại học Ngoại ngữ; Đại học Sư phạm kỹ thuật; Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum; Khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông; Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt Anh. Hơn 60.000 sinh viên (chính quy và không chính quy, đại học và sau đại học), 1.600 cán bộ giảng dạy và phục vụ giảng dạy, thực hiện đào tạo 12 chuyên ngành tiến sỹ, 20 chuyên nghành thạc sỹ, 70 chuyên ngành đại học, 20 chuyên ngành cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp.  Với vai trò là những thế hệ tiếp nối, nguồn nhân lực này được tiếp cận, học hỏi và không ngừng trau dồi kiến thức lẫn kĩ năng để có thể phát triển và phục vụ trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong khu vực. Khả năng bắt kịp xu thế thời đại và nhanh nhạy của tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, sinh viên là những chủ thể khởi nghiệp cần phải được quan tâm và ươm mầm cho sau này.

Các nhà cung cấp nguồn lực khởi nghiệp bao gồm các nhà cung cấp tài chính như ngân hàng, các nhóm đầu tư thiên thần, các công ty đầu tư mạo hiểm và các nhà cung cấp dịch vụ. Để đảm bảo nguồn vốn hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, nhà nước là một trong những thành tố quan trọng, tích cực tham gia cả trực tiếp và gián tiếp vào việc tạo ra các nguồn vốn mạo hiểm mới. Nhà nước, chính phủ sẽ là những nhà cung cấp các chính sách, cơ chế cũng như xây dựng hành lang pháp lý hỗ trợ cho các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Bên cạnh đó, nhà nước vẫn đang thực hiện các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp như là nhà kết nối, điểm mắc xích trong hệ sinh thái. Các nhà hỗ trợ, tư vấn, xây dựng chương trình ươm tạo, đào tạo từ các vườn ươm, tổ chức tư nhân, tổ chức công tư hỗ trợ khởi nghiệp cũng là một thành tố không thế thiếu trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Từ những chính sách, chương trình hỗ trợ, nguồn lực khởi nghiệp sẽ có thêm công cụ và phương tiện để có thể học tập và cải thiện chất lượng, nâng cao trình độ, kinh nghiệm trong lĩnh vực ươm tạo. Ngoài ra còn có các nhà kết nối khởi nghiệp trong hệ sinh thái như các tổ chức mạng lưới chuyên nghiệp, các câu lạc bộ doanh nhân, các nhóm ủng hộ vốn đầu tư mạo hiểm, các hội nghề nghiệp, các cộng đồng hải ngoại.

Theo cục thống kê Đà Nẵng, trong tháng 8/2019 (1->15/8) thành phố đã cấp mới giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh cho 215 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện. Tính hết 8 tháng đầu năm 2019 đã có 3,587 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 10% về số doanh nghiệp so với cùng kỳ 2018. Với mức độ hình thành các doanh nghiệp mới trong giai đoạn gần đây, hệ sinh thái khởi nghiệp tại Đà Nẵng càng trở nên năng động, thu hút nhiều chủ thể khởi nghiệp hình thành và phát triển. Hiện tại ở Đà Nẵng có 2 vườn ươm đã đi vào hoạt động và có nhiều dự án thành công là Vườn ươm Sông Hàn và Vườn ươm Doanh nghiệp DNES. Theo chính sách, chủ trương của thành phố, hiện khu Công nghệ cao Đà Nẵng cũng đã thành lập nên một trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao đã và đang được đưa vào hoạt động. Nhiều vườn ươm của khu vực công, tư cũng liên quan đến trường đại học, bởi liên kết với trường đại học được xem như là một nguồn tri thức và đổi mới sáng tạo quan trọng mà các doanh nghiệp có thể tiếp cận và khai thác. Sinh viên tại các trường Đại học là nguồn lực tiềm năng trong tương lai là những cá thể, tổ chức có thể tạo ra làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ và đầy hứa hẹn.

Các chương trình kêu gọi đầu tư vốn cho các startup cũng dần xuất hiện nhiều hơn, đặc biệt hiện nay có chương trình  Shark Tank trên truyền hình thu hút rất nhiều các dự án, kinh doanh mạo hiểm đầy sáng tạo và có tính bứt phá. Các cuộc thi khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo cho sinh viên cũng phát triển và đầu tư rất mạnh mẽ như Kick-off to future, Techfest, Ý tưởng khởi nghiệp,... hứa hẹn tạo một sân chơi đầy sáng tạo và tiềm năng.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao tại Đà Nẵng cũng đang bị thiếu hụt, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển mặc dù Đà Nẵng là nơi cung cấp nguồn nhân lực chính cho cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Hiện nay, đại học Đà Nẵng là đại học duy nhất ở miền Trung –Tây Nguyên đào tạo kỹ sư đa ngành và cũng là nơi có bề dày kinh nghiệm nhất trong công tác đào tạo cán bộ quản lý kinh tế. Đại học Đà Nẵng đang nỗ lực hướng tới mục tiêu trở thành đại học nghiên cứu vào năm 2020 và trở thành môi trường giáo dục tiên tiến, hướng đến đẳng cấp ở tốp 50 đại học nghiên cứu ở châu Á đến năm 2035. Sự thúc đẩy các liên kết với giáo dục quản lý thông qua các trường cao đẳng và đại học cũng có thể trợ giúp, cũng như việc có khả năng tiếp cận các nguồn lực kỹ thuật và phi tài chính khác. Đây sẽ là một trong những nguồn cung nhân lực chất lượng cao quan trọng cho Đà Nẵng nói riêng và khu vực miền Trung-Tây Nguyên nói chung.

                                                                                  Hình minh họa (Internet)

Cơ hội và thách thức đối với thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho Khu công nghệ cao Đà Nẵng

Cơ hội

Thứ nhất là chính sách thu hút nhân tài của Đà Nẵng

UBND Thành phố Đà Nẵng đã cụ thể hóa, từng bước hoàn thiện chính sách thu hút nguồn nhân lực với những chủ trương và giải pháp thiết thực, đáp ứng yêu cầu công tác cán bộ và bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng cho địa phương. Trong quá trình đó đã tiếp nhận nhiều cán bộ có trình độ, phẩm chất và bản lĩnh chính trị vững vàng để bố trí công tác tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn. Ngoài việc thu hút chất xám, đầu tư cơ sở vật chất đào tạo, thành lập Trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Đà Nẵng còn đặc biệt quan tâm đến đời sống của nguồn nhân lực mình thu hút.  Nguồn nhân lực sẽ được đãi ngộ về tiền lương và trợ cấp thu hút; bố trí và hỗ trợ chỗ ở,…

Thứ hai, cơ hội từ nguồn lực, đội ngũ nhân lực nghiên cứu tại các trường đại học, tổ chức nghiên cứu và phát triển ngày càng lớn mạnh và chuyên nghiệp. Xu hướng chú trọng đào tạo các ngành công nghệ cao cũng được quan tâm và chú ý nhiều hơn.

Hiện nay, tại Đà Nẵng có khoảng 10 Trường Đại học và cao đẳng tham gia đào tạo nhiều ngành nghề về công nghệ cao, hàng năm thực hiện hàng trăm đề tài các cấp, đây là một nguồn tiềm năng lớn cho việc ươm tạo tại  khu công nghệ cao Đà Nẵng. Bên cạnh đó, số sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng (thời điểm 31/12) hằng năm khoảng trên 33.000 sinh viên, các nhà khoa học trẻ, những sinh viên tốt nghiệp với đồ án giỏi cùng các ý tưởng công nghệ và tinh thần phục vụ thực tiễn sản xuất cao, cho thấy đây cũng là một nguồn tiềm năng lớn cung cấp cho việc ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao tại khu công nghệ cao Đà Nẵng.

Thách thức

Thứ nhất, thách thức từ chính sách cho phép di chuyển tự do lao động có kỹ năng trong Cộng đồng kinh tế ASEAN.

Tại những công ty đa quốc gia, doanh nghiệp nước ngoài, việc tuyển dụng lực lượng lao động từ các quốc gia lân cận đã có sự chuẩn bị kỹ càng thông qua các công cụ online hoặc mạng xã hội như Facebook, LinkedIn,… cùng với sự hỗ trợ của đa phương tiện như video conference, Skype… tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp này dễ dàng làm việc và tiếp cận với nhóm lao động khác. Bên cạnh đó các chính sách giao lưu, trao đổi nhân tài trong phạm vi công ty diễn ra thường xuyên, liên tục sẽ dễ dàng thu hút và tuyển dụng nhân tài từ các nước ASEAN. Tuy nhiên , tại các doanh nghiệp Việt Nam, sự chuẩn bị cho việc tuyển dụng và cho sự năng động của thị trường lao động chỉ đang ở mức độ chuẩn bị trong tư tưởng. Một phần vì các doanh nghiệp này vẫn đang trong quá trình tự ổn định và chuyên nghiệp hóa bản thân, việc đa văn hóa khi doanh nghiệp đang còn giai đoạn gần hoàn thiện và việc thích nghi vào văn hóa Việt Nam là điều không đơn giản. Đây là một thách thức lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghệ cao Đà Nẵng nói riêng.

Thứ hai, năng lực đào tạo nhân lực chất lượng cao còn hạn chế.

Công tác đào tạo trong các trường đại học còn định hướng lý thuyết, sinh viên ra trường có trình độ lý thuyết khá tốt nhưng rất hạn chế về kỹ năng thực hành và khả năng giải quyết công việc, nhất là trong sản xuất ứng dụng.

Thứ ba, việc ứng dụng các công nghệ cao tại Đà Nẵng còn hạn chế

Một số ngành công nghệ cao đã có chủ trương và quyết sách phát triển từ Trung ương Đảng, Chính phủ và điều hành của các Bộ chuyên ngành như Công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, đã được Đà Nẵng xây dựng các chương trình phát triển ứng dụng tại địa phương từ nhiều năm, tuy nhiên do nhiều hạn chế nên các kết quả ứng dụng chưa mang lại hiệu quả thiết thực giúp phát triển sản xuất mạnh mẽ, tạo ra các giá trị gia tăng cao, có sức cạnh tranh với thị trường trong và ngoài nước.

Một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực phục vụ đổi mới sáng tạo

Một là, đổi mới mạnh mẽ quản lý nhà nước về phát triển nhân lực 

Trong đó, cần đổi mới phương pháp quản lý, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động bộ máy quản lý về phát triển nhân lực. Xây dựng một tổ chức, trung tâm về việc thu thập, xây dựng hệ thống thông tin về nguồn nhân lực trên địa bàn cả nước nhằm đảm bảo cân đối nguồn  cung-cầu. Đổi mới các chính sách, cơ chế, công cụ phát triển nhân lực (bao gồm các nội dung về môi trường làm việc, chính sách việc làm, thu nhập, bảo hiểm, bảo trợ xã hội, điều kiện nhà ở và các điều kiện sinh sống, định cư, chú ý các chính sách đối với bộ phận nhân lực chất lượng cao, nhân tài). Cải tiến và tăng cường sự phối hợp giữa các cấp các ngành, các chủ thể tham gia phát triển nhân lực.

Hai là, bảo đảm nguồn lực tài chính cho phát triển nhân lực

Ngân sách nhà nước là nguồn lực chủ yếu để phát triển nhân lực quốc gia. Cần xây dựng kế hoạch phân bổ ngân sách nhà nước theo hướng tập trung chi để thực hiện các chương trình, nhiệm vụ, dự án đào tạo theo mục tiêu ưu tiên và thực hiện công bằng xã hội (hỗ trợ đào tạo, phát triển nhân lực ở các vùng sâu, vùng xa, cho các đối tượng là người dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách. Nhà nước có cơ chế, chính sách để huy động các nguồn vốn của người dân đầu tư và đóng góp cho phát triển nhân lực bằng các hình thức: Trực tiếp đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục, đào tạo; Góp vốn, mua công trái, hình thành các quỹ hỗ trợ phát triển nhân lực.

Đẩy mạnh và tạo cơ chế phù hợp để thu hút các nguồn vốn nước ngoài cho phát triển nhân lực Việt Nam; sử dụng hiệu quả các nguồn vốn của nước ngoài hỗ trợ phát triển nhân lực (ODA); thu hút đầu tư trực tiếp (FDI) của nước ngoài cho phát triển nhân lực (đầu tư trực tiếp xây dựng các cơ sở giáo dục, đào tạo, bệnh viện, trung tâm thể thao..). 

Ba là, đổi mới giáo dục và đào tạo 

- Hoàn thiện hệ thống giáo dục theo hướng mở, hội nhập, thúc đẩy phân tầng, phân luồng, khuyến khích học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Tổ chức lại mạng lưới giáo dục đào tạo, sắp xếp lại hệ thống giáo dục quốc dân cả ở quy mô đào tạo, cơ cấu ngành nghề, cơ sở đào tạo, quy hoạch lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, vùng, miền và địa phương. Thực hiện phân tầng giáo dục đại học.

- Đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông, khung chương trình đào tạo ở bậc đại học và giáo dục nghề nghiệp theo hướng phát huy tư duy sáng tạo, năng lực tự học, tự nghiên cứu, tăng thời gian thực hành, tập trung vào những nội dung, kỹ năng người học, doanh nghiệp và xã hội cần, đảm bảo liên thông giữa các bậc học, cấp học, giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Đa dạng hoá các phương thức đào tạo. Có cơ chế để tổ chức, cá nhân người sử dụng lao động tham gia xây dựng, điều chỉnh, thực hiện chương trình đào tạo và đánh giá năng lực người học.

- Đổi mới phương pháp dạy và học ở tất cả các cấp học, bậc học. Cải cách mục tiêu, nội dung, hình thức kiểm tra, thi và đánh giá kết quả giáo dục và đào tạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.

Đổi mới chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; nâng cao chất lượng nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ vào giáo dục và đào tạo. Đặc biệt chú trọng việc tổ chức sắp xếp lại và hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với các trường sư phạm trên phạm vi cả nước.

Bốn là, chủ động hội nhập quốc tế để phát triển nguồn nhân lực Việt Nam 

Thiết lập khung trình độ quốc gia phù hợp với khu vực và thế giới. Xây dựng nội dung, chương trình và phương pháp giáo dục và đào tạo theo định hướng phù hợp chuẩn quốc tế và đặc thù Việt Nam; tăng cường quan hệ liên thông chương trình đào tạo giữa các cơ sở giáo dục và các ngành đào tạo của Việt Nam và quốc tế; thực hiên công nhận lẫn nhau chương trình đào tạo giữa các cơ sở giáo dục và đào tạo của Việt Nam và của thế giới; thỏa thuận về việc công nhận văn bằng, chứng chỉ đào tạo giữa Việt Nam với các nước. 

Tham gia kiểm định quốc tế chương trình đào tạo. Thực hiện đánh giá và quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, liên kết, trao đổi về giáo dục và đào tạo đại học, sau đại học và các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, công nghệ giữa các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và thế giới.

Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà giáo, nhà khoa học có tài năng và kinh nghiệm của nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia vào quá trình đào tạo nhân lực đại học và nghiên cứu khoa học, công nghệ tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.

Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội, kêu gọi đầu tư nước ngoài nhằm xây dựng một số trường đại học, cao đẳng và dạy nghề đạt chuẩn quốc tế. Thu hút các trường đại học, dạy nghề có đẳng cấp quốc tế vào Việt Nam hoạt động.

Tăng cường dạy và bồi dưỡng ngoại ngữ (đặc biệt là tiếng Anh), văn hoá thế giới, kỹ năng thích ứng trong môi trường cạnh tranh quốc tế cho người Việt Nam.

                                                                                    Hình minh họa (Internet)

Để có thể áp dụng được những giải pháp trên và xây dựng được những chính sách, giải pháp cho nguồn nhân lực phục vụ đổi mới sáng tạo, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm cho cán bộ, công chức của toàn bộ hệ thống chính trị các cấp, các tầng lớp nhân dân, các nhà trường, các doanh nghiệp, tổ chức hiểu rõ vai trò và trách nhiệm đào tạo và sử dụng nhân lực, biến thách thức về nhân lực thành lợi thế để phát triển kinh tế, xã hội và nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế./.

Kỳ Duyên

Trung Tâm DVTH

Tài liệu tham khảo

  1. TS.Đỗ Thị Hương và ThS.NCS. Trần Lan Hương, ĐHKTQD (8/2017), Thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu công nghệ cao Đà Nẵng: Cơ hội và thách thức, Kỷ yếu hội thảo quốc gia.
  2. TS. Đặng Xuân Hoan, Tổng Thư ký Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực (4/2015), Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2015-2020 đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Tạp chí Cộng sản.

TRỤ SỞ:

     Lô A17, đường Trung tâm, Khu công nghệ cao, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng

    0236 3666117           

    dhpiza@danang.gov.vn

   Điện thoại bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và Trả kết quả cho công dân, tổ chức: 0236.3666100.

©© Bản quyền của Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng

Giấy phép: Số 05/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cấp ngày 02/01/2020

Trưởng Ban biên tập: Trần Văn Tỵ, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng

Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng" hoặc "www.dhpiza.danang.gov.vn" khi trích dẫn lại thông tin từ Website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Đăng nhập