Tìm kiếm
Hiện trạng và nhu cầu nhân lực của các Doanh nghiệp tại Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng
Người đăng tin: Thủy Thị Ngọc Đoàn Ngày đăng tin: 18/11/2020 Lượt xem: 140


BÁO CÁO

Hiện trạng và nhu cầu nhân lực của các Doanh nghiệp tại Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng năm 2020

Trong chuyến thăm và làm việc tại Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp sáng ngày 08/10/2020, đồng chí Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã khẳng định xu hướng tất yếu của thành phố Đà Nẵng trong thời gian đến là tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao. Để thực hiện mục tiêu trên, thời gian qua, thành phố Đà Nẵng đã tập trung đầu tư phát triển, duy tu hạ tầng tại các Khu công nghiệp, Khu công nghệ cao. Đến nay, Đà Nẵng có 06 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 1.066,52 ha; tỷ lệ lấp đầy trên 85% và 01 Khu Công nghệ cao với diện tích 1.129 ha. Tính đến tháng 6 năm 2020; KCNC và các KCN Đà Nẵng đã thu hút 489 dự án, trong đó có 361 Dự án trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 24.400 tỷ đồng và 128 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 1,59 tỷ USD.

Hiện nay, Ban Quản lý đang phối hợp với các ngành triển khai lựa chọn nhà đầu tư cho 03 KCN mới gồm KCN Hòa Cầm - giai đoạn 2 (diện tích 120 ha), KCN Hòa Nhơn (diện tích 360 ha) và KCN Hòa Ninh (diện tích 400 ha) với tổng giá trị gần 14.000 tỷ đồng. Khi 03 KCN mới này đi vào hoạt động, cộng với việc chuyển đổi Khu phụ trợ KCNC thành Khu công nghiệp hỗ trợ KCNC, thành phố Đà Nẵng sẽ có tổng cộng 10 KCN với tổng diện tích khoảng 2.202 ha.

1. Về hiện trạng lao động tại Khu CNC và các KCN Đà Nẵng.

Trong giai đoạn 2015-2019, số lượng lao động tại KCNC và các KCN tăng bình quân hàng năm khoảng 1.5%. Trong 06 tháng đầu năm 2020; do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc giảm công suất tác động nhẹ đến nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Tính đến tháng 6/2020, tổng số lao động làm việc tại KCNC và các KCN Đà Nẵng là 72.264 người, trong đó 309 lao động là người nước ngoài, chiếm 0,43%; tỷ lệ lao động tại các doanh nghiệp trong nước đạt 53,73%. Theo khảo sát sơ bộ của Ban quản lý; tỷ lệ lao động nữ ước tính 65,76 %. Độ tuổi lao động nói chung tương đối trẻ, độ tuổi từ 20-29 tuổi chiếm tỷ lệ 41,5%, từ 30-39 tuổi chiếm tỷ lệ 32.75%, lao động trên 50 tuổi trở lên chiếm tỷ lệ thấp 4.42%.

Tỷ lệ lao động có trình độ phổ thông tại KCNC và các KCN chiếm tỷ lệ 70,17%, lao động trình độ đại học chiếm tỷ lệ 9,5%, lao động có trình độ trung cấp chiếm 6,01%, cao đẳng chiếm tỷ lệ 6,48%. Qua đó, có thể thấy phần lớn lao động tại Khu CNC và các KCN Đà Nẵng là lao động phổ thông. Có 02 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên. Một là phần lớn nhu cầu tuyển dụng trong thời gian qua tập trung vào lao động thủ công và công nhân vận hành; không yêu cầu khắt khe về trình độ và kinh nghiệm. Sau khi tuyển dụng, các lao động sẽ tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn do doanh nghiệp tổ chức để nắm bắt quy trình làm việc. Mặt khác, qua nhận xét của một số doanh nghiệp thì kỹ năng làm việc của lao động đã qua đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu cụ thể của công việc. Đa số lao động có chuyên môn kỹ thuật khi được tuyển dụng đều phải đào tạo lại, bổ sung kỹ năng mới.

Theo số liệu điều tra năm 2018 của VCCI, có đến 86% doanh nghiệp Đà Nẵng gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động ở cấp giám đốc điều hành, cao hơn so với bình quân cả nước 3%; 75% doanh nghiệp khó khăn trong tuyển dụng lao động ở vị trí quản lý, giám sát (cao hơn cả nước 3%); 32% doanh nghiệp gặp khó khi tuyển dụng công nhân, lao động phổ thông (cao hơn cả nước 7%),… Không những vậy, chi phí tuyển dụng và đào tạo lao động của các doanh nghiệp có xu hướng tăng qua các năm. Chi phí đào tạo lao động cũng đã tăng từ 4,5% (năm 2016) lên 7,8% (năm 2018) trên tổng chi phí kinh doanh. Bên cạnh đó, chi phí tuyển dụng cũng tăng từ 4,2% (năm 2016) lên 5,9% (năm 2018).

Bên cạnh đó, ý thức nghề nghiệp, tác phong công nghiệp của nhiều lao động còn yếu. Trong giai đoạn 2015 - 2019, sự biến động lao động của các doanh nghiệp KCN chủ yếu là do người lao động tự ý bỏ việc, chuyển từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác, từ KCN này sang KCN khác.

2. Nhu cầu và giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho Khu CNC và các KCN Đà Nẵng

Khảo sát thực tế về cung - cầu nguồn lao động tại Khu CNC và các KCN cho thấy, nhu cầu về nguồn lao động của các doanh nghiệp vẫn rất lớn. Các doanh nghiệp tại các KCN, KCNC ở Đà Nẵng vẫn đang trong tình trạng thiếu hụt công nhân có tay nghề cao, phục vụ cho việc đổi mới, mở rộng sản xuất, kinh doanh hậu Covid-19.

Định hướng của thành phố Đà Nẵng trong thời gian đến là ưu tiên thu hút các dự án đón đầu công nghiệp 4.0 như công nghiệp ICT, kỹ thuật số, công nghệ nano, công nghệ sinh học, các dự án về nghiên cứu và phát triển phù hợp với Chương trình 36-CTr/TU ngày 13/01/2020 của Thành ủy Đà Nẵng về thực hiện Chuyên đề “Phát triển công nghiệp công nghệ cao, xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm khởi nghiệp, đôi mới sáng tạo tầm quốc gia, là khu đô thị sáng tạo - khoa học - công nghệ đạt đẳng cấp quốc tế”. Theo đó, nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ chuyên môn, được trang bị các kỹ năng mềm như tin học, ngoại ngữ sẽ gia tăng.

Nhằm đảm bảo việc xây dựng đội ngũ lao động chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội thành phố theo tinh thần Nghị Quyết 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị, Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Chương trình số 45-CTr/TU ngày 25/02/2020 thực hiện Chuyên đề “Xây dựng và triển khai chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố, tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn của thành phố”. Trên cơ sở đó, để đảm bảo phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp KCNC và các KCN trong thời gian đến; cần quan tâm thực hiện tốt một số giải pháp như sau:

- Thứ nhất, cần đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu thị trường lao động. Việc tiến hành điều tra khảo sát về số lượng và chất lượng lao động ở các ngành lĩnh vực cần thực hiện thường xuyên, trên cơ sở dự báo nhu cầu, xây dựng chiến lược đào tạo nhân lực hợp lý bảo đảm cân đối cung cầu lao động để phát triển kinh tế xã hội.

Thứ hai, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước, nhà nước và doanh nghiệp trong đào tạo phát triển nhân lực phục vụ CMCN 4.0. Các trường đại học, cơ sở đào tạo nghề cần đổi mới nội dung, phương thức đào tạo nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Các ngành nghề đào tạo phải gắn quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố, nhu cầu của thị trường lao động và yêu cầu của các doanh nghiệp. Tăng cường liên kết giữa các trường cao đẳng và dạy nghề với các trung tâm giới thiệu việc làm nhằm tìm kiếm nguồn cung lao động có kỹ thuật, lao động đã qua đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Thứ ba, bên cạnh các chính sách và biện pháp hỗ trợ của nhà nước thì các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược đào tạo, thu hút lao động riêng thông qua chế độ lương thưởng, phụ cấp, đãi ngộ phù hợp và thỏa đáng để tăng tính cạnh tranh trên thị trường lao động.

Thứ tư, đối với bản thân người lao động, đặc biệt các bạn sinh viên ngồi trong ghế nhà trường cần chủ động học tập, rèn luyện, xóa bỏ những tư duy, tập quán, lề thói cũ hình thành tác phong công nghiệp hiện đại để có đủ năng lực chuyên môn và kỹ năng cần thiết cho nhu cầu phát triển./.

Tải Báo cáo tại đây.

Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng


TRỤ SỞ:

     Lô A17, đường Trung tâm, Khu công nghệ cao, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng

    0236 3666117           

    dhpiza@danang.gov.vn

   Điện thoại bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và Trả kết quả cho công dân, tổ chức: 0236.3666100.

©© Bản quyền của Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng

Giấy phép: Số 05/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cấp ngày 02/01/2020

Trưởng Ban biên tập: Trần Văn Tỵ, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng

Ghi rõ nguồn "Trang thông tin điện tử Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng" hoặc "www.dhpiza.danang.gov.vn" khi trích dẫn lại thông tin từ Website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Đăng nhập